Bộ Tứ tung sáng kiến hàng hải ngăn tàu Trung Quốc vét cạn cá biển
Nhìn nhận khách quan, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần nhau. Càng gia tăng căng thẳng, đối đầu, hai bên càng bất lợi và thế giới cũng bị ảnh hưởng, chia rẽ sâu sắc.
Chuyến thăm nhiều bất ổn
Mới đây, Ngoại trưởng Antony Blinkel, quan chức ngoại giao cao nhất của Mỹ, lần đầu tiên đến Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Ngoại trưởng Mỹ lãnh sứ mạng “mở đường” cho quan hệ song phương đang vào hồi căng thẳng. Chuyến thăm này được nhen nhóm từ cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia, tháng 11/2022.
Dư luận nhận xét, Mỹ tỏ ra chủ động, sốt sắng hơn. Bối cảnh tình hình xem chừng bất lợi cho Mỹ. Trung Quốc thông qua sáng kiến “Vành đai con đường”, các dự án kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng…, ngày càng gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, cả những khu vực chiến lược được xem là “sân sau” của Hoa Kỳ như Nam Mỹ, Caribe, Trung Đông… Vai trò Trung Quốc tăng cao khi làm trung gian hòa giải Iran và Arabia Saudi; đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Các chuyên gia, học giả lý giải sự “sốt sắng” của Mỹ nhằm trấn an đồng minh, đối tác rằng mối quan hệ song phương với Trung Quốc chưa hoàn toàn đổ vỡ. Làm vậy, Mỹ cũng muốn thể hiện thiện chí xây dựng và có cớ để nói, nếu quan hệ không cải thiện, lỗi thuộc về Trung Quốc! Nhìn nhận khách quan, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần nhau. Càng gia tăng căng thẳng, đối đầu, hai bên càng bất lợi và thế giới cũng bị ảnh hưởng, chia rẽ sâu sắc.
Hai tay mới vỗ thành tiếng
Sau 2 cuộc hội đàm kéo dài gần 10 giờ với Bộ trưởng Tần Cương và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Vương Nghị, Ngoại trưởng Antony Blinkel có cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đó, dư luận phấp phỏng liệu sự kiện rất được chờ đợi này có diễn ra không? Bởi đây là chỉ dấu quan trọng về mức độ quan hệ giữa hai nước và ý nghĩa, kết quả chuyến thăm. Sự không rõ ràng phần nào cho thấy thái độ, toan tính của mỗi bên.
Có thể nói, 3 mục tiêu của chuyến thăm đạt được những kết quả, tiến bộ nhất định. Với mục tiêu thứ nhất, hai bên bày tỏ “mong muốn giảm căng thẳng”, tránh các “nhận thức sai lầm, tính toán sai lầm”; đưa mối quan hệ song phương vượt qua mức độ rất thấp hiện nay. Hai bên đồng ý “duy trì liên lạc ở cấp cao để quản lí sự khác biệt một cách có trách nhiệm và đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến xung đột”. Duy trì kênh liên lạc cấp cao là tiền đề, nhưng thống nhất được cơ chế kiểm soát, quản lý khác biệt hiệu quả là một khoảng cách khá xa. Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận, “không ảo tưởng về những thách thức trong việc quản lý mối quan hệ này”.
Ở mục tiêu thứ hai, hai bên đề cập trực diện, rõ ràng về các mối quan ngại liên quan đến lợi ích cốt lõi của mình. Mỹ quan ngại các hành động quân sự gây phức tạp ở eo biển Đài Loan và các khu vực khác, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga và Triều Tiên… Trung Quốc nhấn mạnh yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, ngừng cản trở sự phát triển công nghệ và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng, tính biểu tượng của “vấn đề Đài Loan”, nên nhắc lại quan điểm “một Trung Quốc” và không ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, Mỹ phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với bất kỳ bên nào và hy vọng giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan. Mỹ cam kết tiếp tục thực hiện các trách nhiệm theo Đạo luật quan hệ Đài Loan, bao gồm việc đảm bảo Đài Loan có khả năng tự vệ. Đài Loan là một “con bài” quan trọng, thể hiện thái độ, ứng xử của Mỹ với đồng minh, nên Mỹ khó nhượng bộ, đánh đổi. Nghĩa là, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Đài Loan, nhưng kín đáo hơn, tránh kích động Trung Quốc.
Mục tiêu thứ ba, tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác là khả dĩ nhất, như đánh giá của Chủ tịch Tập Cận Bình: “đã có bước tiến và đạt thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể”. Đó là, khuyến khích tăng cường chương trình trao đổi song phương về sinh viên, học giả và doanh nhân; mở rộng các chuyến bay trực tiếp…
Kết quả chuyến thăm được hai bên ghi nhận bằng những ngôn từ đúng phong cách ngoại giao: hội đàm “thẳng thắn, chuyên sâu và mang tính xây dựng” và “sâu sắc”… Kết quả rõ ràng, đáng kể là hai bên đồng ý sắp xếp chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và tạo tiền đề cho các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị các nhà lãnh đạo AFEC vào cuối năm 2023.
Ngôn ngữ tuyên bố của hai bên có nét tương đồng, như muốn “quản lý hiệu quả” hay “quản lý một cách có trách nhiệm” bất đồng, thúc đẩy trao đổi hợp tác, đưa quan hệ trở lại lành mạnh và ổn định… Nhưng nội hàm và cách truyền thông không hoàn toàn giống nhau. Ai cũng muốn giành lợi thế, “đá quả bóng” trách nhiệm sang đối phương.
Đúng như dự báo, chuyến thăm chưa có bước đột phá nào, mang tính “thăm dò” là chủ yếu. Hai bên đạt được một số kết quả cụ thể và mở ra những dự định tiếp theo. Kết quả quan trọng nhất là hai bên hiểu sự nguy hiểm của mất kiểm soát bất đồng, đối đầu và trách nhiệm của hai cường quốc hàng đầu.
Đưa ra những tuyên bố, cam kết như vậy là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh quan hệ hiện nay. Thành ngữ có câu: “Hai tay mới vỗ thành tiếng”. Vấn đề quan hệ Mỹ-Trung chỉ có thể tháo gỡ, khi hai bên cùng có thiện chí; cân bằng lợi ích quốc gia với nhau; hài hòa giữa lợi ích quốc gia với trọng trách của hai siêu cường.
Những góc nhìn khác nhau, vừa hy vọng vừa e ngại
Mặc dù không quá lạc quan, nhưng dư luận quốc tế vẫn dành nhiều quan tâm cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken. Bước đầu có những đánh giá khác nhau. Có người cho rằng các cuộc đối thoại thiếu thực chất, không đạt được một mục tiêu quan trọng, cụ thể nào.
Nhiều người, dù công nhận chưa có đột phá, song cũng đánh giá có những kết quả tích cực, mang tính khởi đầu. Họ hy vọng tuyên bố của lãnh đạo hai bên sẽ là “kim chỉ nam” cho mối quan hệ đặc biệt quan trọng nhưng cũng đầy phức tạp, khó dự báo giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, dư luận cũng thấu hiểu vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa cường quốc số một và số hai. Ngoại trưởng Singgapore nhìn nhận, mâu thuẫn Mỹ – Trung là “thách thức thế kỷ”. Vấn đề không dễ hóa giải. Do đó, quốc tế vừa hy vọng vừa quan ngại. Chỉ mong hai cường quốc quản lý một cách có trách nhiệm các mâu thuẫn, bất đồng, không để dẫn đến xung đột.
Với tầm cỡ và hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung, kết quả chuyến thăm là điều đã được dự báo trước. Hai bên đạt một số kết quả mang tính khởi đầu. Bước mở đầu bao giờ cũng khó khăn nhưng luôn có ý nghĩa. Nhưng vẫn còn nhiều việc lớn phải làm trong hành trình tiếp theo, tránh những “tính toán sai lầm”. Thống nhất nhận thức đã khó, chuyển hóa thành hành động và thống nhất giữa tuyên bố với hành động càng khó hơn.
Trong hành trình đó, trước hết là trách nhiệm và sự kiềm chế của cả Mỹ và Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế có thể tạo áp lực tích cực và môi trường thuận lợi cho việc thực thi các tuyên bố, cam kết.
Bảo Trâm