Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn là 2 trong 4 bộ trưởng lần đầu ngồi ghế ‘nóng’ trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Sáng 10/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp với phần mở màn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Theo chương trình nghị sự, ông Long sẽ có cả buổi sáng 10/11 và 15 phút chiều cùng ngày để trả lời, làm rõ các nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine thời gian tới.
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế, gồm: công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược vaccine trong thời gian tới. Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm.
Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.
Tại phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu); Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Đinh Ngọc Sỹ (Bình Thuận); Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Đinh Văn Đức (Đắk Lắk); Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn);… chất vấn Bộ trưởng về giải pháp triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128/NQ-CP trên phạm vi toàn quốc; tổ chức cách ly F1 tại nhà; quản lý giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; quản lý bệnh viện công; sản xuất kit xét nghiệm trong nước; phân bổ vaccine và tiêm vaccine cho trẻ em; đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tránh chảy máu chất xám; nâng cao chất lượng công tác dự báo diễn biến dịch; tham mưu, triển khai chiến lược vaccine công bằng; giải pháp đột phá để giảm thiểu chênh lệch chất lượng giữa miền núi và đồng bằng; vấn đề cán bộ y tế sai phạm, vướng vào lao lý; nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước…
Vì sao Việt Nam mua vaccine muộn hơn so với nhiều nước?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước.
Theo Bộ trưởng, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với COVAX. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm.
Thứ nhất là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay.
Thứ hai, một số nước phát triển sản xuất được vaccine đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. Bộ trưởng cho rằng đây là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung ứng vaccine trên quy mô toàn cầu. Có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần.
Thứ ba, là do tâm lý sử dụng vaccine “không phải lúc nào cũng như hiện nay”. Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ tư, hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vaccine, trong đó có cả rào cản về pháp luật. Bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.
“Đây là những khó khăn trong việc mua vaccine. Những vấn đề này, luật pháp Việt Nam cũng chưa có quy định”, Bộ trưởng nói.
Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh.
Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022.
Xử lý cán bộ sai phạm là việc rất đau lòng
Về sai phạm, vi phạm của một số cán bộ y tế bị xử lý trong thời gian qua, nhất là trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, đây là vấn đề rất đau lòng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, có những nguyên nhân khách quan.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực này; thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.
Về nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vaccine trong nước. Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vaccine phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Bộ cố gắng giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng (Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép). Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng; được biết các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng.
Phòng chống đại dịch chưa có trong tiền lệ
Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.
Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác,… Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.
Tổ chức cách ly linh hoạt, bảo đảm an toàn
Về công tác cách ly, Bộ trưởng cho biết, căn cứ trên Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly đối với những trường hợp đi từ những vùng dịch trở về, đối với cấp độ 3 và cấp độ 4 được phân ra làm nhiều quy định.
Thứ nhất, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất, người đã khỏi bệnh cũng như vậy. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày, người chưa tiêm mũi nào sẽ cách ly tại nhà 14 ngày.
Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào các điều kiện của từng địa phương và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề về việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư hay những khu vực có nhiều người dân sinh sống mà chưa được tiêm vaccine thì cố gắng bảo đảm việc cách ly một cách linh hoạt để bảo đảm tính an toàn.
Đối với trường hợp này, Bộ Y tế cũng kiến nghị áp dụng cho cụ thể. Đối với những khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Đây là những điều mà Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn.
Có bắt buộc F1 tiêm đủ 2 mũi vaccine phải cách ly tập trung không?
Về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang và không tiếp xúc nhưng chẳng may vô tình đi cùng thang máy với F0 và hoàn toàn có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ và trong trường hợp đó có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không? Bộ trưởng cho biết, tình trạng này cũng đã xảy ra đối với một vài địa phương và đối với TP. Hà Nội.
Bộ Y tế đã trao đổi với TP. Hà Nội trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày.
Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ về những đối tượng tiêm 2 mũi vaccine, 1 mũi vaccine, người chưa tiêm và người đã khỏi bệnh thì như thế nào.
Bộ trưởng đề nghị đối với các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất trong vấn đề thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bởi vì hiện nay đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì phải quản lý những rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Giá sinh phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố
Về quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ: Về khách quan, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua,… nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm;…
Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng TTĐT của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm;…
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm,… phục vụ công tác phòng chống dịch;…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với giá dịch vụ xét nghiệm của các bệnh viện công thực hiện theo “thực thanh, thực chi”, đối với các cơ sở y tế tư nhân, thực hiện theo cơ chế thị trường và phải công khai niêm yết giá. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực xét nghiệm để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập và xử lý nghiệm những sai phạm.
Về phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ vaccine được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, phân bổ theo các khu vực ưu tiên, các địa bàn trọng tâm, trọng điểm,… Hiện các địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên: Nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền,… Một số địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em.
Về việc quản lý các bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải tách bạch giữa quản lý chuyên môn, chuyên ngành với quản lý tài chính, hậu cần,… Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện các quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế.
Dự báo diễn biến dịch bệnh là việc rất khó
Về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, “giữ chân người tài” trong lĩnh vực y tế công lập, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Y tế luôn quan tâm đến công tác này, đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, chế độ phụ cấp nhằm thu hút, giữ chân cán bộ giỏi; thực tế hiện nay, đa số các chuyên gia đầu ngành đều đang công tác trong các cơ sở y tế công lập, số người chuyển sang làm việc ở khu vực y tế tư nhân chỉ là thiểu số… Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng, hoàn thiện cơ chế trong lĩnh vực này.
Về dự báo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là công việc rất khó khăn, khó thực hiện, do virus liên tục biến chủng, đại dịch chưa có tiền lệ, diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp… Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp, tham khảo tư vấn của các tổ chức quốc tế trong công tác này; đồng thời yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine; Bộ trưởng đề nghị người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng chống dịch.
Về giải pháp nhằm giảm chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh giữa các khu vực, Bộ Y tế sẽ quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiến hành xây dựng các bệnh viện tuyến cuối trên các địa bàn trọng điểm (Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; nâng cao số lượng, chất lượng nhân lực cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa, kết nỗi hỗ trợ khám chữa bệnh, điều trị trực tuyến;…
Tùng Lâm