+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Y tế: Hà Nội có thể mở rộng phạm vi giãn cách xã hội

Hồng Anh - 01/02/2021 18:19

“Chủng virus mới lây lan rất nhanh, một số bệnh nhân trẻ nhưng tình hình sức khỏe lại chuyển biến nặng. Điều này rất đáng lo ngại”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.

Trong cuộc họp với UBND TP. Hà Nội chiều 1/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu thành phố cần thay đổi trong một số biện pháp chống dịch, phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn để người dân có thể đón Tết Nguyên đán an toàn.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố phát hiện 19 người dương tính với SARS-CoV-2 chỉ trong 4 ngày, nhiều địa điểm đã bị phong tỏa, hàng trăm F1 đang cách ly tập trung, hơn 2.500 F2 đang theo dõi sức khỏe tại nhà.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp

Virus đã lây nhiễm đến chu kỳ thứ 4

Qua phân tích tình hình dịch tễ, Bộ trưởng Y tế nhận định vụ dịch đang bùng phát khó khăn, phức tạp hơn và khác Đà nẵng bởi tốc độ lây nhiễm của virus rất cao.

“Hiện chúng tôi chưa có hết kết quả giải trình tự gene của các bệnh nhân. Qua phân tích giải trình tự gene của trường hợp người Việt Nam đến Nhật Bản, đó là chủng mới với khả năng lây nhiễm rất cao, rất nhanh. Thực tế, chúng vừa lây nhanh, vừa có khả năng tăng nặng một số bệnh. Tiểu ban Điều trị có báo cáo một số trường hợp dù rất trẻ nhưng có dấu hiệu đang chuyển nặng. Điều đó khiến chúng tôi rất lo lắng”, ông Long nói.

Vấn đề thứ hai là chu kỳ lây nhiễm. Trước đây, chu kỳ của virus này tại Việt Nam ước tính khoảng 4-5 ngày. Lần này, chu kỳ lây nhiễm chỉ 1-2 ngày.

Thứ 3 là thời gian khởi phát rất nhanh. Trước đây, thời gian ủ bệnh khoảng 5-7 ngày, hiện vào ngày thứ 2, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu ở vùng hầu họng, khả năng nhân lên của virus và khả năng đào thải mầm bệnh là rất cao. Vừa qua, chúng ta đã thấy có chu kỳ lây nhiễm thứ 4.

Đối với Hà Nội, Bộ Y tế rất lo ngại về tình hình dịch của thành phố. Bởi đây là địa bàn có lượng người đi lại lớn. Không chỉ từ Hải Dương, các khu vực khác cũng có lượng người đổ về Hà Nội lớn. Từ đây, người dân đi tới các tỉnh khác cũng rất nhiều.

“Bảo vệ Hà Nội để người dân thủ đô đón Tết an lành là nhiệm vụ rất quan trọng”, ông Long nêu quan điểm.

Vì vậy, Bộ trưởng Y tế khuyến cáo Hà nội phải thay đổi phương thức sâu sắc để đối phó với đợt dịch lần này, phải nâng cao một mức so với trước đây. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Hà Nội phải thay đổi cách thức đối phó, nâng cao hơn một mức trong vấn đề đối phó với đợt dịch lần này.

Không chờ truy vết, phải khoanh vùng ngay

Theo ông Long, sự thay đổi đầu tiên là không chờ truy vết mà khoanh vùng ngay, khoanh vùng càng nhanh, rộng càng tốt. Bất cứ nơi nào có bệnh nhân là phải khoanh vùng rộng hơn và lấy mẫu triệt để người dân sinh sống ở đó. Đây là điều hoàn toàn khác trước đây.

“Chúng ta phải tiến hành phòng tỏa và lấy mẫu toàn bộ người dân trong diện đó. Khi âm tính chúng ta mới cho gỡ giãn cách ngay khu vực đó và nếu có dương tính thì phong tỏa luôn”, ông chỉ đạo.

Cụ thể, xã Tiến Thắng, Mê Linh có khoảng 12.000 dân, Xuân Phương có 14.000 dân, Đông Anh có 22.000 dân. Tất cả người dân ở khu vực này phải được lấy mẫu xét nghiệm.

Dich Covid-19 tai Viet Nam anh 2
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh trường Tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đặc biệt, vấn đề xét nghiệm và phong tỏa lần này cũng cần phải làm căng hơn. Bộ trưởng đề nghị: “Hà Nội có thể sẽ phải mở rộng phạm vi giãn cách xã hội hơn nữa. Phải thực hiện chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ tại một số quận huyện, không còn đợi chờ làm tại khu vực phường nữa”.

Lịch trình di chuyển của các bệnh nhân đang khiến ngành y tế quan ngại và lo lắng. Ông lấy ví dụ trường hợp sinh viên của Đại học FPT di chuyển rất phức tạp, từng tham gia bữa tiệc có hơn 200 người.

Bên cạnh đó, những trường hợp F1 lần này cũng cần nâng mức đánh giá vì nguy cơ mắc bệnh cao. Khi truy vết F1, cơ quan y tế phải truy vết ngay F2 và coi F2 gần như là F1.

“Chúng tôi đồng ý F1 cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà nhưng phải nghiêm ngặt chứ không phải chỉ khuyến cáo”, ông nói.

Ông đề nghị Hà Nội phải có khuyến cáo mạnh, chẳng hạn như bắt buộc đeo khẩu trang với người dân toàn thành phố, có xử phạt khi vi phạm; hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa một số dịch vụ vui chơi giải trí; hạn chế người dân từ nơi khác về Hà Nội, từ Hà Nội đến nơi khác.

Đẩy nhanh năng lực lấy mẫu, xét nghiệm

Đối với vấn đề xét nghiệm, ông Long đề nghị Hà Nội phải lấy mẫu thật nhanh. Nếu cần thiết, ngành y tế cần huy động sinh viên từ các trường y trên địa bàn. Theo bộ trưởng, Hà Nội phải đẩy nhanh năng lực lấy trung bình khoảng 7.000 mẫu mỗi ngày.

Tuy nhiên, biến chủng này lây rất nhanh nên việc phòng hộ và bảo đảm dự phòng cho nhân viên y tế, người lấy mẫu, người thực hiện phòng chống dịch rất quan trọng. Bởi nếu không cẩn thận, virus có lây cho chính nhân viên chống dịch.

“Quan điểm của chúng tôi hiện nay là Hà Nội phải hết sức tăng tốc, lập các tổ Covid-19 ở cộng đồng, huy động tất cả lực lượng và họp giao ban hàng ngày với quận, huyện trên toàn bộ khu vực, nếu không sẽ rất lo ngại”, ông Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng gợi ý Hà Nội nếu cần chi viện nên đề nghị. Bộ Y tế sẽ sẵn sàng hỗ trợ tối đa để thành phố chống dịch thành công.

Tính đến 12h trưa 1/2, Hà Nội đã ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, Hai Bà Trưng (1), Cầu Giấy (2), Nam Từ Liêm (10), Đông Anh (2), Mê Linh (4). Hầu hết bệnh nhân liên quan ổ dịch Hải Dương.

Trong số này, BN1694 (nam, 40 tuổi) là công nhân của nhà máy Z153, Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, ở thị trấn Đông Anh, có tiền sử dịch tễ phức tạp và đã lây nhiễm cho nhiều người (8 trường hợp). 4 người khác là F1 của các trường hợp này cũng vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều