Bộ trưởng Y tế bực mình vì cán bộ chống dịch và lời nói thẳng của Bí thư Hải Dương
“Những ý kiến trong dư luận nói Hải Dương chậm trễ, yếu kém nên dịch càng dập càng loang là chưa thấu hiểu chúng tôi”Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV sau một thời gian dài Hải Dương đương đầu với dịch bệnh. Ông cũng nói về những ý kiến “chê trách” trong công tác chống dịch ở địa phương một cách không né tránh.
Bộ trưởng Y tế bực mình vì cán bộ Hải Dương không cập nhật số liệu là vì diễn tiến dịch quá nhanh
Bản thân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã tỏ sự không hài lòng tại một cuộc họp trực tuyến, khi cán bộ chức năng của Hải Dương báo cáo mà không nắm được số liệu được cập nhật? Đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc dập dịch tại tỉnh gặp khó khăn?
Đúng là có sự lúng túng của anh em chuyên môn. Khi đó, tình hình dịch bệnh đang diễn biến nhanh, số liệu ca F0, F1 thay đổi từng giờ, F2 tăng lên từng phút. Đến lúc Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu phản ánh chính xác số liệu mới nhất thì anh em chuyên môn đầu mối cấp sở có sự chưa cập nhật kịp.
Cái đó không phải là phản ánh Hải Dương thiếu trách nhiệm mà nó cho thấy diễn biến dịch ở đây quá nhanh, Hải Dương đang phải đối mặt với khó khăn lớn cần phải được hỗ trợ, chia sẻ.
Những ngày đầu, CDC Hải Dương từ năng lực xét nghiệm chỉ 600 mẫu một ngày, nay tiếp nhận cùng lúc cả chục nghìn mẫu nên đã có những thích nghi hơi chậm. Để kịp thời giữ chân người nhiễm và chuyển họ vào khu điều trị, CDC đã phải ưu tiên báo cáo ca dương tính trước. Nhược điểm này, sau đó đã được khắc phục ngay. Hiện CDC có năng lực xét hàng chục ngàn mẫu mỗi ngày.
Việc cách ly quá nhiều người tại một địa điểm được nhắc tới như một nguyên nhân chính làm tăng ca nhiễm, nay đã phải chuyển 1.800 công nhân tại Chí Linh ra vị trí khác. Ông lý giải về việc này thế nào?
Khẳng định là việc cách ly với chúng tôi đã rất kịp thời. Chỉ sau đôi tiếng bàn tính, chúng tôi quyết định cách ly ngay 2.340 công nhân của Công ty Poyun. Sau đó, Chí Linh tiếp tục cách ly 6.100 người để “ giữ chân” dòng người có nguy cơ cao này hoà vào cộng đồng gây lây lan dịch.
Với một địa bàn xa như Chí Linh, đối mặt với lượng cách ly đột ngột tăng quá lớn, trong khi đó cơ sở cách ly hiện có không có nhiều và đã sử dụng hết công suất. Chúng tôi buộc phải sử dụng các cơ sở có khả năng cách ly như trường nghề Canada để phong toả công nhân, để thực hiện phương châm tại chỗ.
Tuy nhiên, số lượng người cách ly đông quá, lại đúng trong dịp Tết nên có trường hợp chủ quan đã giao lưu. Điều này tỉnh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, thể hiện ngay việc bố trí phương án cách ly tại Cẩm Giàng sau này.
Khi xét nghiệm các khu cách ly tại Chí Linh số ca F0 tăng lên đáng kể. Các chuyên gia của Bộ Y tế đã lý giải cho chúng tôi là do các công nhân này trong thời gian làm việc tại Công ty Poyun đã bị lây nhiễm. Qua một thời gian cách ly thì họ khởi bệnh. Khởi bệnh muộn ngay trong thời gian cách ly là đặc tính của biến thể Covid-19. Vì thế, ở Chí Linh mới xuất hiện rất nhiều người đã xét nghiệm âm tính sau đó lại dương.
Chúng tôi đã cho rà sát và nhận thấy, tại Chí Linh ở những nơi cách ly thông thoáng, đảm bảo 4 người 1 phòng nhưng vẫn có nhiều trường hợp đang F1 thành F0.
Họ đã mang sẵn mầm bệnh trong người từ trong nhà máy, và khởi phát theo thể trạng từng người chứ không đủ căn cứ khoa học để nói họ bị lây chéo trong khu cách ly.
Hiện nay, Hải Dương đã chuyển toàn bộ công nhân tại trường nghề Canada sang các cơ sở cách ly khác do quân đội quản lý.
Thưa ông, nhiều ngày qua tại Hải Dương vẫn xuất hiện tiếp những ca dương tính và hiện 12/12 huyện, thị, thành phố đều có ca bệnh khiến cho nhiều người nghi ngờ Hải Dương càng dập, dịch càng loang?
Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương đưa ra.
Vừa qua, TP Chí Linh cũng đã lấy mẫu trên diện rộng 2 phường có nguy cơ cao, với trên 20 nghìn người được xét nghiệm thì 100% đều cho kết quả âm tính. Điều đó khẳng định tỉnh đã xác định trúng ổ dịch ở Công ty Poyun, không còn dịch ngoài cộng đồng.
Số ca dương tính có và sẽ còn có tiếp trong thời gian tới, nhưng đều nằm gọn trong khu cách ly, phong toả. Vì thế, nhân dân cả nước hãy yên tâm, chúng tôi đang mở rộng xét nghiệm để làm sạch nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Điều tiếc nuối của ông bí thư
Nhìn lại toàn bộ công tác chống dịch thời gian qua tại tỉnh, điều gì đến giờ làm cho ông cảm thấy tiếc nhất mà lẽ ra có thể làm tốt hơn?
Hải Dương chống chọi 23 ngày qua với cơn bão lớn là dịch Covid-19. 23 ngày, hàng nghìn người ngày đêm lăn lộn từng nhà, trong bệnh viện dã chiến, nơi cơ sở cách ly và cả những chốt trên đường… để thần tốc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của Virus SARS-CoV-2.
Đến nay, có thể nói là tình hình ở Hải Dương đã được kiểm soát, mặc dù vẫn còn những nơi trên địa bàn có ca nhiễm phát sinh.
Nhìn lại toàn bộ thời gian qua, chúng tôi thấy có một điều đáng tiếc nhất là việc phát hiện ra ổ dịch Công ty Poyun quá muộn. Giá mà sớm hơn thì đã không có hiện tượng “Chí Linh”.
Theo đánh giá các chuyên gia y tế, ổ dịch này đã xuất hiện khá lâu và lây cho các công nhân trong Công ty Poyun. Đến khi có một công nhân xuất cảnh sang Nhật có kết quả xét nghiệm dương tính. Mặc dù, trước đó công nhân này đã được Việt Nam kiểm dịch là âm tính với Covid-19.
Khi chúng tôi nhận được thông tin đã lập tức truy vết những người tiếp xúc với ca nhiễm. Ngày 27/1, phát hiện ra ca dương tính đầu tiên tại Công ty Poyun. Ngày 28/1, quyết định phong toả toàn bộ Công ty Poyun và nhận định nhà máy này là nơi phát sinh của Covid-19.
Xét nghiệm ưu tiên phân xưởng cắt mà công nhân đi Nhật làm việc phát hiện ngay ra 72 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tiếp tục xét nghiệm toàn bộ công ty thì tìm ra thêm 176 người dương tính với SARS-CoV-2.
Như khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì đây là ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay. Chưa có ổ dịch nào mà liên quan cùng lúc 2.340 công nhân, xét nghiệm ra đồng thời có tới 176 ca dương tính.
Khi giải mã thì đây là chủng Virus biến thể của Anh, khiến cho công tác chống dịch của Hải Dương gặp vô vàn khó khăn. Thời gian ủ bệnh đã kéo dài, công nhân mật độ đông đã giao tiếp, làm lây lan trong cộng đồng. Đó là điều tôi thấy đáng tiếc nhất.
Giả sử như chúng ta có kiểm soát tốt về các yếu tố dịch tễ và phát hiện thật sớm nguy cơ dịch bệnh trong doanh nghiệp, có những giải pháp phòng chống ngay từ đầu thì Công ty Poyun không bị biến thành ổ dịch khổng lồ và công tác chống dịch không vất vả như hiện nay.
Điều đáng tiếc mà ông vừa nói là hạn chế của riêng Hải Dương hay là hạn chế chung trong công tác chống dịch ở Việt Nam hiện nay?
Nếu nhìn toàn diện, chúng ta phải đánh giá lại công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Chúng ta cho nhập cảnh với người nước ngoài, đưa người Việt Nam từ những nước có dịch về nước.
Chúng tôi luôn lo ngại đây là nguồn nguy cơ mang dịch bệnh từ bên ngoài vào nếu như không được kiểm soát tốt.
Trở lại với Hải Dương, theo các chuyên gia y tế, nguồn bệnh từ Công ty Poyun hay là tại sân bay Vân Đồn. Có nghĩa là từ bên ngoài xâm nhập vào. Biến thể này chưa hề có ở Việt Nam trước đó, bỗng đột ngột xuất hiện tại Công ty Poyun, nơi có chuyên gia Nhật làm việc. Rõ ràng, Hải Dương là nạn nhân của dịch bệnh, Hải Dương không phải là nơi sinh dạng virus biến thể này.
Không ít ý kiến nói rằng sự chậm chạp, thiếu quyết đoán của Hải Dương trong một số tình huống, một số thời điểm khiến cho dịch bùng phát như hiện nay, Bí thư nhìn nhận thế nào về luồng ý kiến đó?
Chúng tôi khẳng định luồng dư luận này không chính xác. Phải nhìn lại đa chiều toàn bộ lộ trình chống dịch ở Hải Dương sẽ thấy rõ điều tôi vừa khẳng định.
Từ 27/1, Hải Dương xuất hiện ca nhiễm đầu tiên lại Công ty Poyun. Khi đó chúng tôi đang đi dự Đại hội Đảng toàn quốc XIII. Ngay lập tức, Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành uỷ Chí Linh đã báo cáo với tổ chức xin dừng tham dự Đại hội, trở về nhà để trực tiếp dập dịch.
Từ Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức họp trực tuyến tại nơi nghỉ của các đại biểu để chỉ đạo công tác chống dịch. Hôm sau, chúng tôi đã quyết định phong toả toàn bộ TP Chí Linh và cách ly 2.340 công nhân của Công ty Poyun.
Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời mà Bộ Y tế đã đánh giá rất cao. Bộ ghi nhận Hải Dương đã khoá chặt được ổ dịch tại Công ty Poyun ngay từ đầu, không để lan toả sang địa phương khác. Đó là sự quyết đoán, mau lẹ chứ không phải là chần chừ hay chậm chạp như một số người đang nghĩ.
Điều này được thể hiện thêm một lần nữa khi huyện Cẩm Giàng xuất hiện dịch với diễn biến phức tạp.
Ngày 5/2, cận Tết, khi số ca dương tính tại đây mới 10 người nhưng chúng tôi nhanh chóng cho phong toả toàn huyện Cẩm Giàng.
Phong toả đã giảm thiểu tối đa nguy cơ công nhân ở tỉnh khác làm việc tại Cẩm Giàng tràn về quê ăn Tết, làm lây lan nguồn bệnh. Số lượng ca nhiễm thời gian qua tăng nhưng đại đa số đã được cách ly, khả năng lây nhiễm cộng đồng suy yếu.
Các địa phương khác trong tỉnh tuy có ca dương tính nhưng đều là các F1 liên quan ổ dịch tại Chí Linh và đã được cách ly tập trung trước. Khi nghe số lượng công bố, mọi người thấy nhiều, có thể xuất hiện tâm lý lo lắng nhưng đây là điều bình thường của dịch tễ. Bởi hàng ngàn công nhân trong một ổ dịch thì không thể có số lượng dương tính giống như yếu tố dịch tế của một gia đình hay khu phố, thôn xóm.
Cùng đó, ngày 15/2 vừa qua, khi dịch xuất hiện tại 8/12 huyện, thị, thành phố, Hải Dương quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh. Đây là lần thứ ba trong vòng 23 ngày chúng tôi đưa ra quyết đúng thời điểm, kịp thời chứ không muộn.
Nếu phản biện với những ý kiến cho rằng Hải Dương chậm trễ nên chống dịch lúng túng, ông sẽ nói gì?
Chậm trễ hay không phải nhìn vào yếu tố dịch tễ trên địa bàn để đánh giá đúng. Chúng tôi thống nhất chiến lược truy vết nhanh, khoanh vùng xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và cách ly, phong toả gọn để không làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp.
Khi đưa ra các quyết định ở các giai đoạn của dịch, Hải Dương đều xin ý kiến của đoàn chuyên gia y tế và Bộ Y tế về mặt dịch tễ học. Nên phong toả ở đâu, cách ly chỗ nào phải dựa trên cơ sở dịch tễ, cơ sở khoa học, tuyệt đối không phong toả cực đoan. Chúng tôi quyết định cách ly toàn tỉnh là vì sự an toàn của Hải Dương và của cả nước.
Hải Dương đang đúng hướng trong dập dịch
Thực tế dịch bệnh tại Hải Dương theo ông có gì khác với các địa phương khác?
Thực tế việc chống dịch tại Hải Dương phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với các nơi khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội… trước đây.
Bởi lẽ quy mô và loại virus ở biến chủng ở Hải Dương với tốc độ lây lan cao gấp nhiều lần dù bệnh không nặng lên.
80% người nhiễm bệnh không có triệu chứng điển hình. Đối tượng nhiễm là công nhân trẻ, khoẻ nên lại không có biểu hiện lâm sàng nên công tác phòng dịch càng khó khăn.
Hải Dương bùng phát dịch trong bối cảnh dịp Tết ở nơi rất đông công nhân, ủ bệnh lâu nên số lượng F0, F1 rất lớn.
Dịch có từ lâu và tạo thành quả bom trong môi trường hàng nghìn công nhân đang làm việc mà không được phát hiện kịp thời. Cho đến khi có một cô gái đi Nhật phát hiện dương tính mới phát lộ ra. Nên tất cả động thái xử lý dịch bệnh sau này của chúng tôi là xử lý hậu quả của việc đã bị nhiễm bệnh từ trước.
12 huyện, thị, thành phố có ca nhiễm, trừ huyện Cẩm Giàng đang điều tra dịch tễ thì các ca bệnh ở các địa phương đều xác định được nguồn lây. Trong đó, nguồn lây từ ổ dịch Chí Linh vẫn chiếm đa số.
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương nhận định ổ dịch TP Hải Dương hiện phức tạp hơn cả ở Cẩm Giàng?
Thông tin này đến hôm nay Hải Dương hoàn toàn có thể bác bỏ. Chiều tối qua, Công an TP Hải Dương đã tìm ra được nguồn lây nhiễm của chùm ca bệnh mới 4 người trong 1 nhà tại phường Hải Tân.
Kết quả truy vết, xác định rõ nguồn lây một lần nữa cho thấy chúng tôi đang chống dịch đúng hướng và đang phát huy hiệu quả.
Hải Dương sẽ tiếp tục làm gì để có thể dập dịch trong thời gian sớm nhất, thưa ông?
Hải Dương tiếp tục thực hiện chiến lược truy vết thật nhanh, xét nghiệm diện rộng, cách ly, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Chống dịch thành công nhưng không để đến kiệt quệ kinh tế. Vì thế, Hải Dương nêu quyết tâm hết 15 ngày cách ly xã hội thì dịch sẽ được khống chế hoàn toàn.
Quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay là tập trung cao độ dập dịch tại Cẩm Giàng với chiến lược cụ thể là bắt buộc 100% doanh nghiệp tại đây phải đăng ký xét nghiệm Covid-19 cho công nhân. Nếu công ty nào không tuân thủ thì không cho sản xuất.
Đối với các khu dân cư, Hải Dương tiến tới xét nghiệm trên diện rộng để lọc sạch mầm bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thu Hằng