Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận có lỗ hổng pháp lý để lọt bản đồ “đường lưỡi bò”
Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 6-11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đối với ôtô triển lãm có bản đồ “đường lưỡi bò” sẽ tịch thu, sau đó Bộ Công Thương có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý chặt chẽ trong tương lai, tránh bị lợi dụng.
Chiều nay 6-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bắt đầu trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, với nhiều vấn đề nóng như quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng…
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: “Vừa qua báo chí đăng tải nhiều thông tin về việc cài cắm “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào hàng hóa ở Việt Nam như quả địa cầu, ôtô gắn định vị, phim ảnh… Hải quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ, số đã bán đến người tiêu dùng hết sức nguy hại. Xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này? Có biện pháp gì để không tái diễn hình ảnh tương tự làm ảnh hưởng đến người dân?”.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đây là một hiện tượng mới xuất hiện dù trước đó đã xuất hiện “đường lưỡi bò” trong một số sản phẩm văn hóa. Ngay sau khi xảy ra, Bộ Công Thương đã tổ chức rà soát lại và đưa ra cách xử lý.
“Qua đó, đối với ôtô triển lãm, sẽ tịch thu, sau đó có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý chặt chẽ trong tương lai, tránh bị lợi dụng. Đối với một doanh nghiệp khác thực hiện việc nhập khẩu và kinh doanh ôtô tại Việt Nam, chúng tôi đã nghiêm túc yêu cầu triệu tập và thu hồi toàn bộ ôtô được nhập khẩu vào Việt Nam mà có “đường lưỡi bò” trên phần mềm. Chúng tôi cũng tạm thời dừng giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam cho đến khi doanh nghiệp này phải thực hiện xong các phần trách nhiệm của mình” – người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Bộ cũng thấy rằng có một lỗ hổng pháp lý của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục rà soát lại để đảm bảo không xảy ra những hiện tượng đó trong tương lai”.
Ngoài ra, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng phản ánh tình hình sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp khó lường mặc dù có quyết liệt phòng chống ngăn chặn, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng hóa Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu, tiêu dùng đã diễn ra nhiều nơi. Mặc khác, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, Mỹ đang có nguy cơ gian lận xuất xứ, trốn thuế. Đại biểu Hòa đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương về vấn đề này và có giải pháp ra sao để phòng ngừa, ngăn chặn?
Trả lời câu hỏi vị đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới. Thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp chúng ta có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác.
Theo Bộ trưởng, các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi sang nước khác. Tuy nhiên, với ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường đã xuất hiện tình trạng sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ từ năm 2016, 2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ thách thức, nguy cơ về vấn đề này.
Bộ trưởng dẫn thực tế, vừa qua có doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu nhôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã sử dụng nguyên liệu nhôm nung, nhôm nguyên liệu khác để có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu đi. Ngay thời điểm nhận thông tin, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến làm việc với doanh nghiệp này, báo cáo với các cấp, ban ngành. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ Việt Nam khi tham gia thương mại thế giới.
Bộ trưởng cho biết thêm bên cạnh sản phẩm nhôm này cũng có một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ… Bộ trưởng cho biết những sản xuất này có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Mỹ, EU đã được phát hiện.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để xử lý vấn đề này. Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này. Bộ trưởng cho biết vừa qua, Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính đã được giao cho các cơ quan chức năng. Bộ trưởng khẳng định hiện nay có thể nói, chúng ta không chậm trễ, gây tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác.
Nguyễn Hưởng – Văn Duẩn – Minh Chiến/Người Lao Động