Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Sẽ có làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam”
13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang thương thảo, Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc về thương mại với các nền kinh tế lớn trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Hôm nay (28/10), Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific Business Forum – IPBF) diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn dành riêng một phiên thảo luận nhìn lại những thành quả của quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong 25 năm qua.
Theo đánh giá của của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã tích cực hội nhập và trở thành thành viên năng động, Việt Nam tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại song phương (FTA) với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với 13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang thương thảo, Việt Nam đã có mối quan hệ sâu sắc về thương mại với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.
“VIỆT NAM CÓ MỐI QUAN HỆ THƯƠNG MẠI SÂU SẮC VỚI TẤT CẢ CÁC NỀN KINH TẾ LỚN TRÊN THẾ GIỚI”
Khu vực châu Á Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương thuộc nhóm khu vực phát triển mạnh nhất của thế giới, Đông Nam Á nằm ở trung tâm khu vực này. Vì quyền lợi của chính các nước thành viên, các nước cần phải dẫn dắt các nỗ lực phát triển trong khu vực Đông Nam Á cũng như Ấn Độ Dương
Đánh giá cao sự đóng góp của doanh nghiệp hai nước trong việc xây dựng nên mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu: “Cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, doanh nghiệp Hoa Kỳ trong ngành hàng không, tài chính, năng lượng, giáo dục, phân phối, bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong tăng cường trụ cột kinh tế tạo nền móng cho các quốc gia để mở rộng thêm không gian hợp tác. Đây là động lực thúc đẩy quan hệ song phương, đóng góp vào quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích chung của hai dân tộc”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong tương lai gần, tôi tin tưởng sẽ có những làn sóng mới của đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam. Việt Nam đã và đang theo đuổi chính sách hợp tác lâu dài trong quan hệ đối tác với Hoa Kỳ. Cùng với các đối tác Hoa Kỳ, chúng tôi ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong ngành năng lượng, bán lẻ. Việc ký kết như vậy sẽ tạo thêm nhịp điệu mới trong hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn.
Việt Nam là chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Tôi tin tưởng nếu chúng ta có hành động cụ thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau, chúng ta sẽ cùng có khả năng chống chọi tốt hơn với các cú sốc trong tương lai”.
“TẬP TRUNG NỖ LỰC VÀO HIỆN TẠI KHÔNG CHƯA ĐỦ”
Đánh giá cao thành tích chống dịch của Việt Nam, đồng thời đại dịch Covid-19 đã tạo ra động lực để quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, Bà Ann Marie Yastishock đã nhìn nhận: “Năm 2020 là năm mà GDP Việt Nam vượt qua Philippines, theo tính toán của IMF. Việt Nam cũng đã thông qua luật đầu tư tư nhân PPP. Trong khi bóng ma đại dịch Covid-19 vẫn còn đó, Việt Nam đã có thể dập tắt đại dịch trong biên giới của mình và có thể mở cửa thận trọng.”
Cũng theo bà Ann Marie Yastishock, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế Việt Nam. Sau Covid-19, nhiều khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ càng tăng lên gấp bội, ví như khả năng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, kết nối số của doanh nghiệp nhìn chung đã phát triển lên một tầm cao mới.
Nếu tập trung nỗ lực vào hiện tại không thôi chưa đủ, tương lai còn nhiều khó khăn. Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ khu vực vào năm 2045 đang gần hơn với hiện thực so với nhiều người nghĩ. Tăng cường công nghệ sẽ giảm gánh nặng quan liêu, chi phí vận tải và xử lý hoạt động doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp công.
“BẠN BÈ TRONG KHÓ KHĂN MỚI LÀ BẠN BÈ THỰC SỰ”
Ông Daniel J. Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận xét: “Năm nay chúng ta kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. trong 25 năm vừa qua, tiến độ quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ Việt Nam đã thật kỳ diệu. Một cựu đại sứ khẳng định sự kỳ diệu này có được từ sự cống hiến, lãnh đạo tuyệt vời của cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ.
Năm 1995, tiền bối của chúng ta đã có những quyết định dũng cảm để chia sẻ quan điểm chung, nhờ vậy tạo nền móng cho quan hệ phát triển nhanh đáng kinh ngạc giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học…”
Ông Daniel J. Kritenbrink thể hiện sự lạc quan vào tương lai: “Chúng ta tin tưởng vào triển vọng của quan hệ 25 năm nữa, thành công của Việt Nam sẽ còn tiếp tục và sẽ còn là thành công của chính chúng tôi. Chúng tôi muốn thấy một Việt Nam mạnh mẽ và độc lập. Từ con số giao thương 400 triệu USD và đến giờ giao thương song phương đã đạt 77 tỷ USD, trong tất cả các ngành như sản xuất, thực phẩm, dược phẩm…Trong 2 ngày này, chúng ta đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 11,5 tỷ USD.
Không chỉ là con số 11,5 tỷ USD mà chúng ta ký kết lần này với doanh nghiệp 9 tỉnh thành, không chỉ là những bài diễn văn mà rõ ràng sự hợp tác đã rất cụ thể. Bộ Công thương cũng đã ký hợp tác với doanh nghiệp phía Hoa Kỳ để phát triển nguồn năng lượng bền vững cho Việt Nam. Ngoài ra là dự án ký kết biến khí hóa lỏng thành điện với doanh nghiệp tại Hải Phòng.
Bạn bè trong khó khăn mới là bạn bè thực sự, chúng tôi cám ơn sự hợp tác của các bạn, sự hào hiệp của người dân Việt Nam, chúng tôi mong muốn sẽ đoàn kết hơn nữa để vượt qua thách thức trong tương lai”.
“HOA KỲ LÀ MỘT PHẦN QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM”
“Hoa Kỳ là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong 25 năm qua và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hành trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển trong 25 năm tới – năm 2045!”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định.
Chủ tịch VCCI cũng nhận định, trong một thế giới đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng thông qua COVID-19, công nghệ kỹ thuật số và sự đổi mới, cơ hội sẽ ngày càng trở nên lớn hơn cho những ai thực sự có thể đứng đầu. Vì vậy, TS. Vũ Tiến Lộc hy vọng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiếp tục là một cường quốc và các nước thành viên của nó đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại COVID-19, định hình tương lai kinh tế của khu vực và thế giới.
Đánh giá cao sự hợp tác của phía Hoa Kỳ với một số hoạt động cải cách tại Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, 15 năm qua, tiếng nói của 120.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước đã được lắng nghe, điều này đã giúp góp phần cắt giảm thủ tục kinh doanh. Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được nhiều cơ quan lãnh đạo và doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao. Tôi cám ơn các cơ quan phát triển Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ và cả những người đóng thuế Hoa Kỳ đã góp phần cho sự phát triển tại Việt Nam.
Ngọc Diệp/CF