Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tỷ lệ “bôi trơn” khi làm thủ tục cấp sổ đỏ đã giảm
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tỷ lệ người dân phản ánh phải bôi trơn khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016.
Tại hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên, môi trường và lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên đã được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước.
Trong đó, nguồn thu từ đất hàng năm chiếm trung bình 12% thu ngân sách nội địa, riêng trong năm 2019 đạt 172 nghìn tỷ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt khoảng 5 nghìn tỷ/năm, từ tài nguyên nước hơn 1,16 nghìn tỷ đồng/năm.
Tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch treo, dự án treo ở các đô thị được giải quyết hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2019 đã xử lý hơn 1.300 dự án với 18,8 nghìn ha đất; hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường.
Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động với mức đóng góp trên 60% GDP cả nước. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận… đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành những trung tâm kinh tế biển của đất nước.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã được đổi mới từ nhận thức đến hành động, từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, chủ động kiểm soát, phòng ngừa. Các giải pháp tổng thể, đồng bộ được xác định nhằm quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; bảo vệ môi trường lưu vực sông đang được quyết liệt triển khai.
Trình độ dự báo thời tiết, khí hậu, các loại hình thiên tai đã tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới, góp phần chủ động ứng phó với các tác động do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, qua đó, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.
“Theo Báo cáo Chỉ số PAPI 2019 vừa mới công bố, tỷ lệ người dân phản ánh phải bôi trơn khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 34% so với năm 2015, mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ này tăng 13% so với năm 2016, tỷ lệ người dân phản ánh không phải đi qua nhiều cửa khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đạt 80,72%. Chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng đều qua 3 năm. Nhiều địa phương không có hồ sơ chậm muộn quá hạn, hoặc tỷ lệ quá hạn dưới 0,5%”- ông Hà thông tin.
“Đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nhiều quốc gia, sẽ tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên, tác động đến môi trường. Đặc biệt, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, các mục tiêu tăng trưởng, đến từng người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, bao gồm các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, giảm thuế môi trường, cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4.
“Đối với vấn đề môi trường, Bộ đã tập trung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để đặt môi trường vào vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Đây cũng chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về môi trường sống trong lành, an toàn. Theo Báo cáo về chỉ số PAPI 2019 của Việt Nam, môi trường là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của người dân chỉ sau nội dung về đói nghèo và tăng trưởng kinh tế”- Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Ghi nhận những kết quả trên, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá ngành tài nguyên và môi trường đã khẳng định được vị trí, vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thể hiện được sự phối hợp gắn kết, nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đồ sộ và bày tỏ tán thành việc sửa đổi cơ bản toàn diện để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng nhất là về bảo vệ môi trường là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế.
Thế Kha/DT