Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Tôi cũng ăn uống nước sông Đà 3 ngày”
Đứng dưới góc độ của một hộ tiêu dùng sử dụng nguồn nước nhà máy sông Đà, Bộ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ sự bức xúc của người dân qua sự cố nước sạch nhiễm dầu thải vừa qua tại Hà Nội.
Bên lề hành lang Quốc hội chiều 22/10, PV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà về chủ đề nước sạch và bảo vệ nguồn nước đang “nóng” lên trong dư luận thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có một bài toán trong vấn đề quy hoạch phương án sử dụng và điều tra đánh giá được trữ lượng nguồn nước hiện nay. Đồng thời, phải dự kiến được vấn đề nước tại khu vực thượng nguồn, đảm bảo lâu dài.
Nhìn dưới góc độ Quốc gia và khu vực, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc khan hiếm nguồn nước trong tương lai là điều đã được dự báo trước, phải có sự chung tay của nhiều quốc gia. Trên mỗi lưu vực đều hình thành nguồn sinh thuỷ. Hiện nay, Việt Nam có tham gia những hiệp định mang tính chất đồng thuận như Hiệp định Mê Kông. Tuy nhiên, Hiệp đình này chỉ có tính đồng thuận, không có những cam kết mang tính giằng buộc giữa các quốc gia, đây là một trở ngại lớn trong việc bảo vệ nguồn nước.
Trở lại câu chuyện nguồn nước sạch sông Đà, Bộ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ ra những bất cập trong việc quản lý hiện nay: “Tôi cho rằng phải xem lại hai khía cạnh, thứ nhất là thiếu chủ động ban hành những cơ chế chính sách, quy phạm liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước. Thứ hai, là việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp”.
“Ngoài ra, việc chuyển từ Nhà nước đảm bảo nguồn nước sạch sang tư nhân thì có những mặt tích cực, nhưng bên cạnh đó sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước chưa có quy định và quy trách nhiệm cho ai”, Bộ trưởng bày tỏ băn khoăn.
Từ đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lo lắng: “Nếu chúng ta để tình trạng quản lý lỏng lẻo và trách nhiệm nhà cung cấp nước kém ý thức như thế này thì không thể loại trừ kịch bản nào xảy ra”.
Dưới góc độ là một người tiêu dùng, sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nguồn nước sông Đà, ông Hà chia sẻ sự bức xúc với người dân: “Suy nghĩ của người dân cũng là suy nghĩ của tôi. Tôi cũng ăn nước đó mất 3 ngày. Bây giờ không cần phải bàn, mà cần làm là đưa ra giải pháp đúng đắn kịp thời, họ (đơn vị cung cấp nước –PV) đã không chú ý đến sức khoẻ và không lường hết được vấn đề thiệt hại gây ra cho hàng triệu người dân”.
“Hết sức vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về việc giải quyết sự cố này, dư luận cũng bức xúc khi chính Viwasupco chưa hề có động thái chính thức xin lỗi người tiêu dùng, Bộ trưởng nói: “Việc này cứ để cho cơ quan pháp luật giải quyết. Hiện nay chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý họ. Đối với một doanh nghiệp đưa sản phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, ở đây là thương mại về nước, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm nước mà biết đã ô nhiêm vẫn cung cấp thì đối với các hộ sử dụng nước – bên mua ký hợp đồng có những thoả thuận và có thể kiện”.
“Thứ hai về sức khoẻ của người dân mà khi cung cấp sản phẩm ra thị trường mà đó là sản phẩm bẩn. Như bán thuốc giả thì đi tù, cung cấp nước bẩn cũng có thể đi tù. Chờ cơ quan pháp luật, toà án và viện kiểm soát thì chúng ta mới có thể đưa ra kết luận chính thức.
Trước mắt, tôi cho rằng những người tham gia việc đổ dầu thải và cung cấp nước bẩn là những người chúng ta phải xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”, ông Trần Hồng Hà bày tỏ.
Công Luân/Người Đưa Tin