+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Không có người nước ngoài nào sở hữu đất, ai cấp báo tôi xử lý ngay’

28/05/2020 06:13

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết tới đây sẽ hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn chặn việc người nước ngoài núp bóng sở hữu đất đai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không có người nước ngoài nào sở hữu đất, ai cấp báo tôi xử lý ngay - Ảnh 1.
Ông Trần Hồng Hà trao đổi với một số báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội về vấn đề người nước ngoài sở hữu đất

Trao đổi riêng với một số báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trước thông tin báo cáo của Bộ Quốc phòng, sáng 27-5, Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng.

Theo đó, thông tin về những lô đất ở Đà Nẵng, vấn đề đất đai liên quan biên giới hải đảo, đất rừng… Đà Nẵng là cơ quan nhà nước đã xác minh, kiểm tra và Bộ Tài nguyên và môi trường đã nắm việc này.

“Đứng ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai. Bởi Luật đất đai 2003, 2013 đều quy định người nước ngoài không phải là đối tượng sử dụng đất nên không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam” – ông Hà nói.

Theo đó, luật chỉ quy định đối với các pháp nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với trường hợp góp vốn, cổ phần thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng cổ phần, góp vốn theo pháp luật về đầu tư. Ví dụ như doanh nghiệp đại chúng niêm yết trên sàn thì nhà đầu tư mua được cổ phần.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận trong trường hợp này là cấp cho pháp nhân là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo pháp luật của Việt Nam chứ không cấp cho cá nhân nước ngoài. Bộ trưởng Hà khẳng định trường hợp Bộ Quốc phòng nêu thuộc nhóm này.

Có sai phạm khi giao đất cho “yếu tố nước ngoài” sở hữu và đã xử lý

* Ông có thể nói cụ thể hơn về thông tin báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu về việc người nước ngoài sở hữu những lô đất được xem là nhạy cảm như đất quốc phòng tại Đà Nẵng?

– Trong báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh việc từ kết quả trinh sát, phát hiện là không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố, phát hiện có hiện tượng là một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.

Kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm khi giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân – doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, là doanh nghiệp liên doanh hoặc mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.

Quá trình thanh kiểm tra, bộ cũng phát hiện một số sai phạm như: giao đất cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở, không thể kinh doanh; hoặc khu vực được giao đất chưa được hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng theo quy định…

* Vậy với kết quả kiểm tra như ông đã nêu là có vi phạm, bộ đã làm gì?

– Sau khi kiểm tra, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng với TP Đà Nẵng làm việc với các bộ: Kế hoạch – đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.

Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp, nếu có thiếu sót đều đã được khắc phục. Nhiều trường hợp đã chuyển giao lại cho người Việt Nam.

Những sai phạm này, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn, bộ cũng đã bàn giao cho các thành phố xử lý. Vi phạm ở đây liên quan đến trình tự thủ tục. Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã hoàn thiện và Bộ Tài nguyên và môi trường, Đà Nẵng đều đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Giao đất không đúng đã bị thu hồi

* Còn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường ở đây là gì?

– Sau khi Luật đất đai 2013 ban hành, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát rộng trong cả nước, đặc biệt là vị trí tiền tiêu, có vị trí chiến lược như hải đảo, biên giới. Chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp chưa hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng, điều này là do Luật đất đai 2003 chưa quy định.

Tuy nhiên, khi Luật đất đai năm 2013 được ban hành thì việc này được thực hiện nghiêm và những trường hợp giao đất không đúng đã thu lại hoặc chuyển sang cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng ta có đủ các căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề này. Nếu xảy ra vi phạm là trách nhiệm của các địa phương. Bộ Tài nguyên và môi trường không cấp bất cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào cả. Trường hợp cấp giấy chứng nhận thì phải đáp ứng điều kiện, có ý kiến các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… Các tiêu chí điều kiện được quy định ở điều 58 của Luật đất đai 2013.

* Như ông nói là luật rất chặt chẽ rồi, nhưng với những trường hợp “núp bóng” thì liệu có kiểm soát được hay không?

– Pháp luật không bảo vệ những anh “núp bóng” và tôi cũng không loại trừ có hiện tượng “núp bóng”. Vấn đề cần dự báo được và có những quy định để kiểm soát chuyện này.

Có thể có hình thức “núp bóng” bằng việc người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng Việt Nam, về mặt pháp luật Việt Nam chỉ cấp quyền cho vợ/chồng là người Việt thôi. Pháp luật chỉ bảo vệ người đứng tên trên giấy chứng nhận, ở đây vẫn là người Việt!

Có cả trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam thành lập công ty, 100% vốn Việt Nam. Như vậy, cũng phải chịu sự chi phối của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm đáng lo ngại, cần thiết phải điều chỉnh một số quy định, đó là khi mối quan hệ với người nước ngoài nhưng lại được điều chỉnh bởi luật về bảo hộ đầu tư hay một số vấn đề khác.

Nhiều trường hợp khi tương tác với họ chúng ta không thể xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nếu xảy ra tranh chấp, đưa ra tòa án quốc tế, mà chúng ta chưa chuẩn bị kỹ để ứng phó thì có thể tòa quốc tế lại tuyên đất của Việt Nam thành đất của nước khác.

Không loại trừ có trường hợp “núp bóng”

* Ông có thể nói rõ hơn về lo ngại không xử lý theo pháp luật Việt Nam và có thể bị đưa ra tòa án quốc tế trong trường hợp “núp bóng”?

– Tôi đề cập đến vấn đề này trong trường hợp tiến hành cổ phần doanh nghiệp. Ví dụ một công ty kinh doanh ở nơi trọng yếu nhưng do người Việt sở hữu thì không đáng lo ngại.

Nhưng nếu công ty phát hành trái phiếu trên toàn thế giới và nhà đầu tư ngoại có quyền mua cổ phần, cổ phiếu thì có thể xảy ra các mối quan hệ về lợi ích, trong đó có cả quyền sử dụng đất.

Do đó, cần phải tính cơ chế để hạn chế về quyền tiếp cận đất đai, các dự án đầu tư trên vùng trọng điểm, về việc chuyển nhượng trái phiếu đầu tư…

Những điều này cần thiết phải được nghiên cứu, chúng ta phải có quy định để hạn chế và kiểm soát nguồn vốn, dòng vốn và năng lực thực tế của người mua. Việc này không dễ, nhưng phải làm, phải kiểm soát.

* Trong chất vấn lần trước, ông có trả lời “chưa nghe có người nước ngoài mua đất ở các vị trí nhạy cảm”, nên các đại biểu dẫn lại, vậy ông có muốn giải thích không?

– Tôi nói dựa trên số liệu! Đến bây giờ, tôi vẫn bảo lưu ý kiến: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất cả. Bởi Luật đất đai quy định rất rõ rồi. Cấp là sai phạm. Ai thấy cứ báo cho tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

* Vậy tới đây Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ làm gì để chặn hiện tượng “núp bóng” người nước ngoài sở hữu đất đai ở Việt Nam?

– Chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó thực hiện thật tốt quy hoạch, xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.

Các quy định cũng sẽ đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện, hạn chế các quyền tiếp cận đất đai kể cả người trong nước và người nước ngoài nhằm kiểm soát được.

Ví dụ như một doanh nghiệp Việt Nam chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì chúng ta có thể an tâm về vấn đề an ninh quốc phòng, nhưng nếu họ cổ phần hóa thì như thế nào? Điều kiện cổ phần hóa, việc tiếp nhận mua cổ phần, chuyển nhượng phải được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.

Người Việt Nam mua đất thì phải chứng minh được dòng vốn, dòng tiền, không loại trừ cả trường hợp các quy định sắp tới sẽ hạn chế quyền mua, không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu và đất này không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng thì phải có điều kiện.

Hiện nay Luật đất đai đang quy định rất chặt chẽ về chuyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật nhà ở thì người nước ngoài (tất nhiên là có điều kiện) được mua nhà, mua căn hộ, nên cần tính toán kỹ vấn đề này.

* Mục tiêu bảo vệ an ninh quốc phòng đặt lên hàng đầu, nhưng cũng phải gắn với phát triển kinh tế. Vậy theo ông, giải quyết bài toán này thế nào cho hài hòa?

– Chúng ta giữ đất để bảo vệ an ninh quốc phòng nhưng cũng phải dùng đất để phát triển kinh tế. Vấn đề là phát triển trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù, đảm bảo sự chặt chẽ khi cấp phép dự án đầu tư, nhà đầu tư, tránh chuyện núp bóng.

Luật đầu tư sắp tới sẽ tính những khu vực trọng yếu nào vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng. Mục tiêu để kiểm soát chặt chẽ, nếu xảy ra sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc. Các tiêu chí có thể đặt ra như trên tôi đã nêu.

Tôi cho rằng các chính sách đối với người nước ngoài phải bình đẳng, công khai, không phân biệt đối xử, từ đó định ra những cơ chế và đảm bảo sự xuyên suốt, nhất quán, vừa có tính đặc thù. Như vậy mới đáp ứng được hai mục tiêu song song và quan trọng là thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Một lần nữa, tôi khẳng định chúng tôi không bị động. Cách thức xử lý hiện nay là phải tôn trọng pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử, tránh tác động không có lợi cho chúng ta.

NGỌC AN/TTO

Bài mới
Đọc nhiều