+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Tô Lâm: ‘Sẽ xã hội hóa các cơ sở đào tạo lái xe’

11/11/2020 17:22

Việc thay đổi cơ quan quản lý lĩnh vực sát hạch, cấp giấy phép lái xe không “đụng chạm gì” đến các cơ sở đào tạo vì việc này sẽ được xã hội hóa.

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm phát biểu như trên tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sáng 11/11.

Theo ông, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai dự án luật nêu trên đã nhận được sự đồng tình của Chính phủ, cũng như lãnh đạo hai bộ Giao thông Vận tải và Công an (hai cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này).

Tình trạng mất an toàn giao thông đường bộ hiện nay rất lớn, “chỉ ra đường là nhìn thấy và ai cũng có thể vi phạm”. Trong khi đó, an toàn giao thông là một phần quan trọng trong trật tự an toàn xã hội, lĩnh vực do Bộ Công an chịu trách nhiệm nên Bộ “không thể đứng ngoài việc giữ an toàn giao thông”.

Theo hai dự thảo Luật, lĩnh vực sát hạch, cấp bằng lái xe lâu nay do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, tới đây có thể chuyển sang Bộ Công an. Giải đáp băn khoăn về “số phận” các cơ sở đào tạo lái xe, Bộ trưởng Tô Lâm nói, việc thay đổi cơ quan quản lý không “đụng chạm gì” đến các cơ sở này, vì việc sát hạch, đào tạo lái xe sẽ xã hội hóa; tất cả các cơ sở đăng kiểm cũng xã hội hóa, coi như một ngành nghề kinh doanh. Bộ Công an chỉ kiểm soát việc cấp bằng lái và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn, chống làm giả, gian lận.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

“Tất cả các cơ sở sát hạch hoạt động bình thường theo quy định của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giáo dục, dạy nghề”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Ngoài ra, ông cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện hành có một số điểm chưa hợp lý. Đơn cử, Luật quy định đèn đỏ thì các phương tiện dừng lại, đèn xanh mới được đi. Tuy nhiên, Luật lại cũng quy định có loại xe được vượt đèn đỏ. Điều này khiến cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ “vô cùng vất vả”.

“Khi đoàn xe ưu tiên đi qua, CSGT phải đứng ở đường, chặn cả phương tiện ở đường đang đèn xanh được đi hợp pháp. Ngăn đường như vậy rất nguy hiểm cho cả lực lượng làm nhiệm vụ, xe ưu tiên và người tham gia giao thông”, Bộ trưởng Công an nói.

Theo ông, nên nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xây dựng trung tâm điều khiển nắm bắt hành trình và bật đèn xanh khi đoàn xe ưu tiên đến điểm giao cắt có đèn tín hiệu giao thông. “Ưu tiên là phải như thế, chứ để đoàn xe ưu tiên vượt đèn đỏ là rất vô lý”, ông nói.

Trước băn khoăn sẽ lãng phí khi từ một luật tách ra hai, Bộ trưởng Công an khẳng định tách thành hai luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Đầu tiên là không phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn.

Theo đó, nếu giao việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho Công an thì CSGT sẽ phối hợp các lực lượng khác để tăng cường xử lý dịp cao điểm. Cục quản lý lái xe, Cục quản lý đăng kiểm không phải lập mà chỉ cần Cục CSGT nhận nhiệm vụ. Các vi phạm trên đường cao tốc cũng sẽ được xử lý nhờ áp dụng khoa học công nghệ, camera quan sát, xử phạt ở điểm ra. Như vậy, bộ máy, con người trên mặt đường không phát sinh và sẽ giảm khi không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên đường.

“Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chúng tôi là nếu giao lĩnh vực này cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này”, Đại tướng Tô Lâm nói và cho rằng, không nước nào trên thế giới CSGT giữ xe, rồi thanh tra giao thông đi kiểm tra, rất chồng chéo.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cũng phát biểu về nội dung trên, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương nói vấn đề sát hạch lái xe giao cho lực lượng Công an không phải mới, vì trước đây công an từng đảm trách (từ 1995 trở về trước) và làm chặt chẽ.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là “không ổn vì hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông có mối liên kết với nhau”.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ xuất phát từ con người thì “phải tìm giải pháp là con người”, không cần thiết tách luật, chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng băn khoăn, hiện ngành Giao thông có khoảng 2.000 nhân sự làm trong lĩnh vực cấp phép lái xe, nếu chuyển nhiệm vụ này sang ngành Công an, lực lượng trên sẽ bị sa thải hay chuyển sang việc khác? “Đó là vấn đề Chính phủ cần đánh giá tác động, có giải pháp và đưa ra câu trả lời”, ông Tùng đề nghị.

Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, lần đầu trình Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp này và sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào chiều 16/11.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, thanh tra giao thông có quyền dừng xe xử lý vi phạm với 4 lỗi trên đường. Còn dự thảo luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông quy định, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ do CSGT đảm nhiệm.

Dự kiến thanh tra giao thông sẽ chịu trách nhiệm xử lý vi phạm theo điều chỉnh của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), gồm việc xử lý các vi phạm tĩnh liên quan đến kết cấu hạ tầng, đường sá…

Hoàng Thùy/VNE

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều