Bộ trưởng Tô Lâm: Những vi phạm trong ngành Y không phải do cơ chế
Chiều 10/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời thêm vì những sai phạm trong ngành Y tế, Bộ trưởng khẳng định đây không phải do cơ chế.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ việc xảy ra ở các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố, điều tra.
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phát hiện 1 vụ cảnh tỉnh 1 vùng”.
Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động nắm tình hình, nhận định vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm từ đó, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.
“Điển hình một số vụ tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La…
Qua đấu tranh hiện nay, các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
“Nhưng chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này mà đều là có lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để có vi phạm, những vi phạm về hình sự rất đáng phải xử lý. Trước khi xử lý về hình sự thì đối với cơ quan điều tra, chúng tôi đều có yêu cầu phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong các vụ việc đó.
Đồng thời, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng trục lợi thì mới xử lý các đối tượng này, ví dụ như mua máy cùng thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, có ăn chia nhau, có lấy, trích phần trăm trong việc đó, đấy là yếu tố tư lợi…”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Người đứng đầu ngành Công an cũng nhấn mạnh, qua các vụ việc này, Bộ cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác mua sắm trang thiết bị để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các vi phạm.
Cùng với đó, các Bộ, ngành nghiên cứu đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn, quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, thông đồng với các cơ quan, đơn vị nâng giá, trục lợi. Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra, xử lý các vi phạm này.
Vấn đề thứ nữa được Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu ra, đó là, tình hình buôn lậu, buôn bán trái phép thực phẩm, vật tư y tế, vật tư sử dụng xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp trong cả nước.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu như trên mạng xã hội làm nơi buôn bán, tìm các nơi đang xây dựng, địa hình khó đi lại để làm nơi cất giấu hàng hóa.
Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm về việc buôn bán các loại thuốc, trang thiết bị y tế, thậm chí vaccine nhập lậu.
Mạnh An