Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng CAND là nòng cốt chống ma túy
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.
Chiều 24-10, tại phiên họp trực tuyến của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của các Bộ luật, luật khác mới ban hành… làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì.
Luật cũng sẽ quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.
Tại kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Theo đó, Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật và dự thảo bổ sung một số nội dung trong luật.
Thay mặt Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Thúy Anh nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống ma túy thì phòng ngừa và dự phòng vẫn là chính. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhà nước phải bảo đảm kinh phí thực hiện đối với các dịch vụ cơ bản cho người cai nghiện ma túy. Các địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước quan tâm bố trí nguồn ngân sách cho hoạt động này. Cá nhân và gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm tham gia, đóng góp.
Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, cần đối xử với họ cần theo hướng: duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, có biện pháp quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng trong thời gian nhất định. Đặc biệt phải kết hợp các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình sau cai nghiện.
Đi sâu vào một số nội dung lớn của dự thảo Luật, đại biểu Thúy Anh cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động. Đồng thời cũng cần phải phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy.
Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin giải trình sự khác nhau về thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi. Cân nhắc bổ sung trường hợp các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể tiến hành xử lý phân luồng, chuyển các tài liệu liên quan cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú chứ không phải UBND cấp xã nơi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
“Cần nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm không chấp hành việc xét nghiệm trong thời gian được quản lý tại cộng đồng” – đại biểu Thúy Anh nói thêm.
Về cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy trong nhóm tuổi này vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Bên cạnh đó là đánh giá tính khả thi của quy định bảo đảm quyền học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người trong nhóm tuổi này đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Ủy ban về các vấn đề xã hội nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này. Một số nội dung của hồ sơ cần được tiếp tục quan tâm, tiếp thu, giải trình thấu đáo, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và ý kiến của các vị ĐBQH tại kì họp này.
TÁ LÂM – LÊ THOA/PL