Bộ trưởng Tô Lâm: Không để khoảng trống pháp luật đối với vũ khí tương tự vũ khí quân dụng
Sáng 14-11, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đã tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết theo quy định pháp luật trước đây, khái niệm vũ khí quân dụng bao gồm cả vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Do đó, hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 20-6-2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018. Tại khoản 2, điều 3 luật này tách quy định về vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng ra khỏi khái niệm vũ khí quân dụng.
“Như vậy, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, vì vậy không thể truy tố, điều tra, xét xử đối với hành vi trên”, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra.
Người đầu ngành Công an cho biết, thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm có tổ chức từ trước đến nay cho thấy đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đều có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, có nhân thân xấu.
Các loại vũ khí có tính năng tương tự như súng ổ quay, súng chế, súng bắn đạn hoa cải… có khả năng gây sát thương cao, gây nguy hiểm tính mạng con người.
Nếu các hành vi vi phạm này không bị khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ làm gia tăng tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, hiệu quả tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội, không đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; không loại trừ khả năng các đối tượng phản động sẽ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hoạt động lật đổ chính quyền, khủng bố, bạo loạn vũ trang, gây ảnh hưởng tới an ninh đất nước.
“Vì vậy, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, thì việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Về phạm vi sửa đổi của luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mục tiêu xây dựng dự án luật này là đảm bảo tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, để có căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Vì vậy, việc sửa đổi như dự thảo luật là phù hợp. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân sự không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân cũng như các lực lượng khác khi thi hành công vụ nên không ảnh hưởng tới các nội dung về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng theo quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trước một số ý kiến đề nghị chỉ quy định khái niệm vũ khí quân dụng mà không liệt kê các loại vũ khí như dự thảo, cơ quan soạn thảo thấy rằng, dự thảo luật xây dựng khái niệm vũ khí quân dụng theo hướng vừa giải thích về quy chuẩn, tính năng, tác dụng, cách nhận biết và mục đích sử dụng, vừa liệt kê các loại vũ khí là phù hợp.
Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết của các đại biểu và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
(Theo ANTĐ)