+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Tô Lâm: ‘Bỏ sổ hộ khẩu là việc người dân rất mong đợi’

21/10/2020 13:36

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, bỏ sổ hộ khẩu là việc người dân rất mong đợi và nếu không dứt khoát được thời điểm thì sẽ gây phiền phức cho người dân cũng như cơ quan quản lý.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bên hành lang Quốc hội sáng 21.10 /// Ảnh Gia Hân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bên hành lang Quốc hội sáng 21.10

Sáng 21.10, giải trình trước Quốc hội về một số nội dung trong luật Cư trú sửa đổi mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục tiêu khi sửa luật Cư trú là đảm bảo không cản trở quyền tự do cư trú của người dân, xác định vị trí pháp lý của người dân trên lãnh thổ Việt Nam và đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động cư trú của công dân.

Về mục tiêu thứ 3, ông Lâm nhấn mạnh, quy định về việc đăng ký, quản lý đã được quán triệt là không gây phiền hà, phức tạp cho người dân. “Có đại biểu nói là quy định tạo cơ hội nhũng nhiễu người dân. Tất cả vấn đề đó được quán triệt. Có quản lý nhưng không để quy định gây ra nhũng nhiễu, phiền hà, phức tạp cho người dân”, ông Lâm nhấn mạnh.

Về vấn đề thời điểm bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, ông Lâm cho rằng, cơ quan soạn thảo là Bộ Công an đề xuất phương án bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1.7.2021, khi luật có hiệu lực.

Ông Tô Lâm giải thích, phương án về thời điểm được Bộ Công an đề xuất dựa trên đối chiếu về năng lực hoạt động thực tiễn.

Theo ông Lâm, nếu quy định thời điểm chuyển tiếp thì khi luật có hiệu lực rồi mà những giấy tờ đã hế giá trị pháp lý vẫn còn giá trị đến ngày khác. “Nếu không dứt khoát được thời điểm bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan”, ông Lâm nhấn mạnh.

“Bỏ sổ hộ khẩu, như Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chúng tôi rất thấm thía, là điều mong ước của người dân. Trước đây, một số quy định sổ này sổ kia, khi bỏ được rồi, thay đổi phương thức quản lý thì mang lại sự phấn khởi cho người dân. Bây giờ làm được việc này nữa thì người dân rất mong đợi”, ông Lâm nói.

Cả hệ thống phải thay đổi

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận, đúng là hiện nay có rất nhiều quy định “ăn theo” sổ hộ khẩu. Song, ông Tô Lâm cho biết, khi thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi chứ không chỉ mình sổ hộ khẩu.

Theo ông Tô Lâm, trong kế hoạch triển khai luật Cư trú sửa đổi, Bộ Công an cũng đã đề nghị từ nay tới 1.7.2021 khi luật có hiệu lực sẽ vận động để người dân đăng ký các loại giấy tờ theo căn cước công dân.

“Đồng thời với sửa luật Cư trú, chúng tôi đang triển khai dự án căn cước công dân theo luật Căn cước, cũng có hiệu lực từ 1.7.2021”, ông Tô Lâm nói.

Người đứng đầu Bộ Công an cũng cho biết, hiện nay, thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập được 90%, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống máy tính.

“Còn 10% sẽ cố gắng trong năm 2020 này hoàn thành. Nên chúng tôi mạnh dạn đề nghị thực hiện ngay được”, ông Tô Lâm nói và cho biết nếu Quốc hội quy định thời gian có hiệu lực từ 1.7.2021 mà không có thời gian chuyển tiếp sẽ bắt buộc các cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau để thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

Trước đó, trong báo cáo giải trình tiếp thu luật Cư trú sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án về thời gian chuyển tiếp. Trong đó, phương án 1 là cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tới 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Phương án 2, theo đề xuất của Chính phủ là bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú kể từ ngày 1.7.2021, khi luật có hiệu lực.

(Theo TNO)

Bài mới
Đọc nhiều