+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Thể hứa ưu tiên giao thông TP.HCM, ĐBSCL

15/06/2020 12:01

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư đường vành đai 3, 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh phía Nam. 

Sáng 15/6, đăng đàn trả lời các kiến nghị, thảo luận của đại biểu về tình trạng hạ tầng giao thông, đường sá kết nối TP.HCM với các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận có nhiều khó khăn và hứa có sự thay đổi trong năm nay.

Hạ tầng giao thông liên kết vùng chưa được đầu tư tương xứng, các tuyến cũ thì xuống cấp đã được đại biểu nêu ra từ nhiều kỳ họp trước. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án trọng điểm vướng mắc về các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng cũng như bố trí vốn.

Tập trung vành đai 3, 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh

Về khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Thể cho rằng sẽ ưu tiên cho đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP.HCM với các tỉnh.

Về trục dọc, ông cho hay Bộ sẽ tập trung cho tuyến cao tốc TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau; quốc lộ N2 từ Củ Chi đi Kiên Giang và nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 60 trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh.

bo truong The noi ve giao thong mien nam, ha tang giao thong DBSCL anh 1
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung thêm 4 dự án tại ĐBSCL là quốc lộ 62, quốc lộ 30, cao tốc nối Châu Đốc, Cần Thơ và Sóc Trăng và cao tốc Kiên Giang đi Bạc Liêu. Khu vực miền Đông Nam Bộ sẽ được đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc song song với quốc lộ 22 nối TP.HCM với Tây Ninh, cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm khác…

Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Bộ tham mưu Chính phủ, Quốc hội đầu tư tuyến cao tốc kết nối Hà Nội – TP.HCM khoảng 1.700 km. Ngoài ra, Bộ tiếp thu các ý kiến của đại biểu để có một số dự án kết nối từ Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai…

Khu vực phía đông Hà Nội trước mắt sẽ được đầu tư để hoàn thành cao tốc hữu nghị Chi Lăng, Vân Đồn – Móng Cái, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, đường ven biển đồng bằng bắc bộ. Khu vực phía Tây Bắc, đang nghiên cứu tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, Hà Nội – Lào Cai…

Người đứng đầu Bộ GTVT nhấn mạnh đây đều là các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, kết nối các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. “Nghiên cứu thì nhiều, nhưng quyền quyết định vẫn là của Quốc hội, rất mong các đại biểu nghiên cứu, xem xét các dự án trọng điểm để đẩy nhanh trong thời gian tới”, ông Thể nói.

Tiến độ giải ngân còn chậm chạp

Về 25 dự án trọng điểm và tiến độ giải ngân được các đại biểu quan tâm, tư lệnh ngành giao thông cho hay năm nay, bộ được giao 37.500 tỷ đồng, đến ngày 30/5 đã giải ngân được 12.000 tỷ. “Chúng tôi có niềm tin tình hình xây dựng cơ bản của bộ trong năm nay sẽ có chuyển biến tốt”, ông Thể nhìn nhận.

Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đã giải ngân được 27.000 tỷ (khoảng 27% tổng vốn đầu tư). Ông cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ giải ngân nốt vốn trong năm nay.

bo truong The noi ve giao thong mien nam, ha tang giao thong DBSCL anh 2
Hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL còn chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Còn về 3 dự án trọng điểm chuyển sang đầu tư công mà Quốc hội đang thảo luận, ông Thể cho biết ngành giao thông sẽ cần thêm 5.000 tỷ để triển khai tiếp. Về dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ, Quốc hội đã bố trí số vốn là 17.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến 30/5, dự án mới giải ngân được 1.200 tỷ. Tỉnh Đồng Nai đã cam kết sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ông nói trước Quốc hội sẽ cố gắng giải ngân hết trong năm nay.

Đại biểu ‘nóng ruột’ năm này qua năm khác

Vấn đề hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh phía nam từ lâu đã được đặt ra trong nhiều kỳ Quốc hội, tuy nhiên, ngành giao thông vẫn chưa thể làm các đại biểu yên tâm. Điều kiện đường sá, kết nối hiện tại không đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực này với mũi nhọn là TP.HCM.

Trong khi đó, sự ưu đãi, ưu tiên cho khu vực trong lĩnh vực giao thông này cũng chưa tương xứng với tiềm năng.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho hay người dân rất kỳ vọng vào trục giao thông động lực kết nối TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài 55 km. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương theo bà là không “kham” nổi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa bổ sung tuyến đường này vào quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia nên cũng chưa triển khai được.

bo truong The noi ve giao thong mien nam, ha tang giao thong DBSCL anh 3
Vấn đề giao thông các tỉnh phía Nam được nhắc đến tại nhiều kỳ Quốc hội gần đây. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hay như tuyến vành đai 3 và 4 được Bộ GTVT quản lý và đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương, phân bổ kinh phí, quy hoạch khiến việc lập quy hoạch, thu hút đầu tư ở Long An cũng gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) thì “than” về quốc lộ 62, quốc lộ N2 là những tuyến kết nối Long An và các tỉnh, vùng có vị trí quan trọng, huyết mạch nhưng đang xuống cấp trầm trọng, thường xuyên ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, hệ lụy của việc thiếu kết nối giao thông được các đại biểu nêu ra là nhiều dự án hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng vì thiếu sự kết nối liên vùng.

Hay như sản phẩm nông nghiệp của khu vực ĐBSCL khó có thể cạnh tranh một phần do vận chuyển hết sức khó khăn. Hệ thống đường sắt, đường thuỷ, đường bộ của khu vực chưa được quan tâm đúng mức hoặc chỉ được phân bổ mức đầu tư một cách nhỏ giọt.

Sơn Hà/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều