Bộ trưởng Tài chính: Thủ tướng đồng ý bỏ quỹ Bảo trì đường bộ
Bộ trưởng Tài chính cho biết, Thủ tướng đã đồng ý bỏ quỹ Bảo trì đường bộ và giao Bộ GTVT sửa các quy định liên quan.
Thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018 tại phiên họp UB Thường vụ QH chiều nay, nhiều ý kiến quan tâm đến việc bãi bỏ một số quỹ “có tên tuổi”.
Bỏ quỹ “có tên tuổi” tác động rất lớn
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, qua kết quả giám sát cho thấy vấn đề công khai minh bạch hoạt động một số quỹ là có vấn đề.
“Tham nhũng trong lĩnh vực này rất dễ xảy ra, đề nghị Chính phủ có báo cáo rõ, trong số những quỹ này có những vụ việc lớn nào đã xảy ra, nguyên nhân vì sao. Từ những vụ việc cụ thể chúng ta rút ra vấn đề gì?”, bà Nga đặt vấn đề.
Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng lưu ý việc bỏ quỹ nào, để quỹ nào trước hết phải từ rà soát của Chính phủ và đề nghị đoàn giám sát phối hợp với Chính phủ, giao một thời hạn hoàn thành cụ thể.
Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ Phan Xuân Dũng cho rằng, các loại quỹ đoàn giám sát đề nghị bỏ ngay là những quỹ có tên tuổi, được quan tâm và có nhiều đóng góp còn những loại quỹ không ai nhắc đến thì báo cáo giám sát không đề cập kỹ.
“Tôi nói ví dụ, quỹ Bảo trì đường bộ, quỹ Hỗ trợ phát triển DN… bỏ ngay là tác động rất lớn đến đời sống”.
Ông Dũng cũng lưu ý cân nhắc việc đề nghị có lộ trình bãi bỏ quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quỹ Viễn thông cũng như việc đề nghị sáp nhập các quỹ liên quan đến khoa học, công nghệ.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam nói nếu bỏ quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, khi giá xăng dầu thả nổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng khác.
Vì vậy theo ông, cần lộ trình xử lý, nếu bỏ ngay quỹ này sẽ khó kiểm soát được lạm phát.
Đóng nhiều, chi không bao nhiêu phải xem lại
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ví von: “Tôi nhớ có hình tượng sông thì cạn nước nhưng có nhiều hồ nhỏ thì vẫn còn chứa nước. Ngân sách Nhà nước là một dòng sông chảy luân chuyển đã cạn nước nhưng hồ lớn hồ nhỏ xung quanh thì giữ nước lại. Như vậy là phân tán nguồn lực”.
Bà đề nghị phải rà soát, đánh giá lại quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả; còn quỹ nào cần dẹp bỏ phải làm rõ.
“Bây giờ quỹ Phòng chống thiên tai theo báo cáo chi rất ít, cứ thiên tai xảy ra thì chúng ta lại đóng góp, cơ quan nào cũng đóng góp, rồi ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách rồi các DN, các tổ chức, đoàn thể đều đóng góp. Đã thế còn tồn tại quỹ này thì phải xem lại”, Chủ tịch QH lưu ý.
Bà đề nghị UB Thường vụ QH ban hành 1 nghị quyết mang tính đánh giá thực trạng và hiệu quả mang lại, kết quả thực hiện của các quỹ, đưa ra đề xuất, định hướng cần rà soát, đánh giá kỹ từng quỹ.
Trên cơ sở đó, Chính phủ rà soát, đánh giá lại sẽ có lộ trình sắp xếp, sáp nhập, giải thể quỹ nào và phải có kế hoạch và lộ trình chứ nghị quyết không nêu cụ thể.
“Vừa rồi chị Phóng chủ trì để ra luật Phòng chống tác hại rượu bia, có ý kiến đòi có quỹ thuốc lá, tới khi thấy QH không mặn mà thì có đồng chí nói không có quỹ thì ra luật làm gì. Đây là sự thật”, Chủ tịch QH nêu thực tế.
Bà lưu ý việc cứ “chăm chăm để ra một cái quỹ để được quyền thu, được quyền chi trong này”.
“Quốc hội khi ra luật không thành lập quỹ, không hình thành thêm tổ chức và tăng biên chế nếu không có chủ trương của cấp cao, việc này phải quán triệt”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì không cần quỹ bình ổn
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thống kê có 48 quỹ gồm 28 quỹ ở TƯ và 20 quỹ ở địa phương.
Về quỹ Bảo trì đường bộ, ông Dũng cho hay, Bộ Tài chính đã 2 lần báo cáo Thủ tướng bỏ quỹ này và Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ GTVT sửa nghị định 18 cùng quyết định của Thủ tướng về thành lập quỹ.
“Quỹ này tuy trong luật, nhưng 5 năm qua không còn tồn tại vì đã đưa vào ngân sách”, ông nói.
Về quỹ Bình ổn xăng dầu, ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng vài lần về nghiên cứu sửa đổi nghị định 83, trong đó có quỹ này.
“Trong điều hành chung, một tay chúng ta phải điều hành kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, một tay thả ra thị trường. Nhưng nếu có cú sốc của thị trường, ảnh hưởng kiểm soát lạm phát”, Tư lệnh ngành Tài chính giải thích.
Theo ông Dũng, nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá 15 ngày hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì lúc đó không cần quỹ nữa.
“Việc này chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì đánh giá tổng kết nghị định 83, trong đó có quỹ này để sửa đổi thời gian tới”, ông nói.
Thu Hằng/Vietnamnet