Bộ trưởng Tài chính lên tiếng việc ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ‘chui’
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý vụ việc Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu.
Chiều 11/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lãnh đạo bộ đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán xử lý vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 10/1, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã thực hiện giao dịch với số lượng 74,8 triệu cổ phiếu FLC (niêm yết trên Sàn chứng khoán TPHCM – HOSE) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện theo quy định.
Cùng thời điểm trên, FLC đã công bố thông báo giao dịch cổ phiếu của ông Quyết trên cổng thông tin công ty, với thông báo đề ngày 5/1/2022 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE. Ông Quyết thông báo đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 10-17/1/2022.
Đáng chú ý, cũng trong chiều 10/1, sàn HOSE đã xảy ra sự cố kéo dài khoảng 20 phút, dẫn tới nhà đầu tư không thể thực hiện giao dịch.
Về nguyên nhân sự cố trên, ông Phớc cho biết, do nghẽn mạch ra (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán – PV), đơn vị vận hành đã lập tức chuyển sang chạy hệ thống dự phòng.
Việc ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” cổ phiếu rất nghiêm trọng
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Điều hành Công ty luật ANVI, chuyên gia pháp lý về lĩnh vực kinh tế, tài chính, khẳng định, trường hợp Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu nói trên không cần biết là vô tình hay cố ý thì “vi phạm đã rõ như ban ngày”.
Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết có hành vi như vậy. Cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC. Thời điểm đó, số tiền ông Quyết thu về ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Còn với giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu vào hôm qua 10/1, tạm tính theo mức giá đóng cửa 21.150 đồng/cổ phiếu của FLC, ông Trịnh Văn Quyết thu khoảng gần 1.600 tỷ đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, ông Quyết đã vi phạm Điều 33 trong Nghị định 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch trong khi ông là chủ tịch HĐQT lẫn cổ đông lớn của FLC.
Chế tài đủ sức răn đe?
Dưới góc độ pháp lý, ông Đức phân tích, trường hợp vi phạm của ông Quyết có thể bị xử phạt theo cả 3 hình thức gồm xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.
Về phạt hành chính, quy định hiện hành phân chia ra nhiều khung tùy thuộc theo giá trị cổ phiếu giao dịch không tuân thủ việc công bố thông tin. Với việc bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC, trường hợp của ông Quyết nằm trong khung phạt tiền cao nhất 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa với cá nhân có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chỉ là 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động chào mua công khai, hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động văn phòng đại diện; hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn từ 1 đến 12 tháng.
Đặc biệt, CEO Công ty Luật ANVI nhấn mạnh vi phạm lần này của ông Quyết có thể bị buộc khắc phục hậu quả, khác so với lần bán chui cổ phiếu vào năm 2017.
Nghị định 156/2020 quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Đối chiếu với trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, ông Đức phân tích, Chủ tịch tập đoàn FLC có thể phải thu hồi gần 75 triệu cổ phiếu đã bán ra và hoàn trả tiền cho những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của mình cùng với lãi suất không kỳ hạn. Thứ hai, ông Quyết có thể phải nộp lại số tiền thu lãi do hành vi vi phạm trên.
Như vậy, nếu áp dụng cả hai hình thức xử phạt này, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định ông Quyết sẽ phải chịu thiệt hại lớn về hành vi bán gần 75 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin dự kiến giao dịch của mình. Còn việc hành vi bán chui cổ phiếu có dấu hiệu thao túng chứng khoán hay không còn phải xem xét.
“Mức phạt trước đây có thể chưa đủ vì thu lời vài trăm tỷ chỉ bị phạt vài trăm triệu nhưng cơ sở pháp lý hiện tại hoàn toàn đủ tính răn đe. Nếu làm nghiêm, buộc thu hồi chứng khoán, nộp lại số tiền bất hợp pháp không có lý do gì để cho rằng chế tài không nghiêm minh”, ông Đức bình luận.
Luật sư Đức nhấn mạnh sự việc bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết rất nghiêm trọng. Vị luật sư này chia sẻ mong muốn các cơ quan Nhà nước phải xử lý đến nơi đến chốn không riêng trường hợp này mà cả những trường hợp vi phạm khác để thị trường chứng khoán thật sự minh bạch, trong sạch, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Theo ông, nếu không làm nghiêm, uy tín của thị trường chứng khoán sẽ càng đi xuống.
Hồng Anh