Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thực hiện lời hứa cho giáo viên
Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3.2021- đây là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập vừa được Bộ GDĐT ban hành.
Chính thức bỏ quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên
Theo ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), lãnh đạo Bộ GDĐT đã ký một loạt thông tư quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mầm non, phổ thông để chuẩn bị ban hành. Dự kiến, các thông tư này sẽ có hiệu lực trong tháng 3.2021.
Cụ thể, các thông tư này thay thế chùm thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 (các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Về kết cấu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các thông tư vẫn đảm bảo theo quy định của Luật Viên chức và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Trong đó, điểm đổi mới quan trọng của các thông tư được giáo viên đón đợi là việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng.
Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp, ở các vùng miền khác nhau đều phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp học) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.
Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, các quy định này đã bộc lộ những bất cập nhất định như tạo ra cơ hội cho những người không học thực chất mà chủ yếu tích lũy đủ văn bằng, chứng chỉ; các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng thực hiện việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định… gây bức xúc đối với xã hội.
Khắc phục bất cập này, trong các thông tư mới được ban hành, Bộ GDĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.
Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.
Cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ GDĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Đối với giáo viên ngoại ngữ, nỗi lo về “ngoại ngữ 2” không còn làm khó giáo viên nữa, để dành thời gian và tâm huyết cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.
Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, để thực hiện hiệu quả quy định này, tới đây từng nhà trường, từng tổ bộ môn cần phải rà soát các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, bố trí, phân công, giao việc, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới.
Thực hiện lời hứa với giáo viên
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên có thể nói là tin vui với hàng triệu nhà giáo trên cả nước. Hệ thống quy định về chứng chỉ tồn tại từ nhiều năm nay.
Những “giấy phép con” đó đã tạo ra những hành vi tiêu cực, gian lận để “đạt chuẩn” theo yêu cầu. Đồng thời cũng tạo “vùng đất màu mỡ” cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào ngày 7.11.2019, đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập trong quy định về chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch hiện nay. Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ rà soát, tham mưu với Chính phủ để sửa đổi quy định về chứng chỉ, với mục đích công chức, viên chức không phải khổ nữa.
Cũng trước diễn đàn Quốc hội, về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu quan điểm: “Qua thực tiễn, Bộ GDĐT nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GDĐT quy định trong chuẩn giáo viên”.
Trong năm 2020, Bộ GDĐT đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên, giúp giáo viên được “cởi trói”, chuyên tâm vào công tác chuyên môn.
Từ nhận thức được việc những chứng chỉ này là thừa thãi, không cần thiết, đến quyết tâm loại bỏ nó, đã cho thấy những nỗ lực thực hiện lời hứa “giảm gánh nặng sổ sách, thủ tục hành chính không cần thiết” cho 1,2 triệu giáo viên của lãnh đạo Bộ GDĐT trong suốt nhiệm kỳ của mình.
(Theo LDO)