Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải ‘tầm soát’ khi phân công người làm thi tốt nghiệp THPT
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương phải có kế hoạch “tầm soát” để phân công trong ban chỉ đạo thi, tránh để xảy ra sơ suất rồi mới khắc phục.
Hôm nay, 4.7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đinh Thị Lụa, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam, cho biết toàn tỉnh dự kiến có 33 điểm thi, 368 phòng thi với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 8.603 em. Dự kiến số lãnh đạo điểm thi, thanh tra, thư ký, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi là 1.271 người.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam, cho hay việc lựa chọn, phân công cán bộ coi thi, chấm thi được tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm, đảm bảo những người được lựa chọn có phẩm chất, năng lực tốt. Đối với việc phân công coi thi, tỉnh Hà Nam sẽ thực hiện không chỉ phân công chéo trường mà còn chéo huyện, đảm bảo người được phân công coi thi tại điểm thi năm nay không lặp lại phân công năm trước.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi của tỉnh. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thi từ cấp tỉnh đến cấp huyện. “Hà Nam sẽ tổ chức tốt nhất kỳ thi tại địa phương, không để xảy ra bất kỳ tình huống nào ảnh hướng tới kỳ thi”, ông Đông khẳng định.
Tránh có việc không ai chịu trách nhiệm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, từng đơn vị, từng người tham gia vào kỳ thi phải cố gắng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Tổ chức một kỳ thi khách quan, nghiêm túc chính là tạo niềm tin cho nhân dân, công bằng cho học sinh”, Bộ trưởng nói.
Ông Nhạ lưu ý, ban chỉ đạo thi của tỉnh cần có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, để từng người biết rõ chức năng, nhiệm vụ; các đơn vị khi cử người tham gia phải là những người có trách nhiệm, chuyên tâm. Sở GD-ĐT được giao là đơn vị thường trực cho ban chỉ đạo để điều phối, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chứ không phải làm thay các đơn vị khác, vì vậy, Sở GD-ĐT phải làm tốt vai trò cầu nối này.
“Các sở GD-ĐT cần xây dựng một kế hoạch “tầm soát” để phân công trong ban chỉ đạo, trong đó có tiến độ thời gian để làm căn cứ thực hiện, đôn đốc và nhắc nhở. Một việc giao cho một người chịu trách nhiệm, tránh giao 2 – 3 người cùng một việc dẫn tới không ai chịu trách nhiệm. Việc “tầm soát” cũng sẽ giúp dự báo được những vấn đề có thể xảy ra để phòng ngừa trước, không để xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục”, ông Nhạ lưu ý.
Ông Nhạ nêu quan điểm: “Dù làm tốt đến mấy nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút là hỏng, vì thế, quá trình chuẩn bị phải được ban chỉ đạo kỳ thi ở các cấp tiến hành thận trọng, từng bước một. Chúng ta không để vì một sơ suất nhỏ mà ảnh hưởng tới chất lượng của cả kỳ thi”.
Ông Nhạ cũng nhấn mạnh, năm nay là năm đầu tiên sau khi có kết quả kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh. Đây là cơ hội để các địa phương khẳng định chất lượng giáo dục, song cũng đặt ra vấn đề về sự đánh giá thực chất.
Tuệ Nguyên/TN