Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Máy tính có tốt, phần mềm thi có chắc thì quyết định vẫn là con người
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, để tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính thì phải chú trọng nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, hạ tầng, và đặc biệt không thể xem nhẹ vai trò của đội ngũ tổ chức kỳ thi.
Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực sáng nay 25.9 về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sau năm 2020, sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã nêu quan điểm về đổi mới kỳ thi này.
Ông Nhạ cho biết, đến năm 2020, về cơ bản vẫn giữ kỳ thi như hiện nay. Trách nhiệm của Bộ là chuẩn bị phương án thi cho 5 năm tiếp theo, từ 2021 – 2025, để chuẩn bị cho chắc chắn. Đợt này rút kinh nghiệm của 5 năm trước là sẽ phải chuẩn bị một cách rất căn cơ và có lộ trình, bước đi chặt chẽ.
“Chúng tôi đứng trước thách thức là phải đổi mới căn bản, toàn diện nhưng lại có nhiều ý kiến là phải đổi mới từ từ thôi. Tinh thần là phải đổi mới nhưng phải chắc chắn. Sẽ có ý kiến cho rằng đổi mới còn rụt rè, nhưng chúng tôi phải chấp nhận bởi trong bất cứ đổi mới nào, đặc biệt là thi cử, thì không cho phép chúng tôi làm sai”, ông Nhạ chia sẻ.
Ông Nhạ nhấn mạnh, phương án thi sau năm 2020 mới là dự thảo đề xuất để xin ý kiến các chuyên gia, chưa phải phương án cuối cùng, vì còn tiếp thu và rất nhiều công đoạn nữa trước khi đưa ra phương án cuối cùng. Trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ kế thừa kết quả của quá trình đổi mới vừa qua, đặc biệt là phương thức thi đã tương đối hoàn thiện, nhưng tiếp tục đổi mới hình thức thi theo hướng áp dụng công nghệ để làm cho kỳ thi chính xác, gọn nhẹ, tốt hơn, chứ không phải tới đây lại đổi mới tiếp.
Ông Nhạ nhấn mạnh các vấn đề cần chuẩn bị để thực hiện phương án thi từ 2021 – 2025. Thứ nhất, về hình thức thi, Bộ sẽ nghiên cứu để kết hợp cả 2 hình thức là thi trên giấy và thi trên máy tính nhưng tăng dần thi trên máy ở những nơi có điều kiện theo từng năm với sự chuẩn bị kỹ. Thi trên máy tính thì trước hết ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa sẽ phải tăng về số lượng và bảo đảm về chất lượng.
Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật và phần mềm, đây không phải là vấn đề quá khó nhưng hệ thống test, hệ thống vận hành thì phải tính toán để làm sao vẫn đảm chất lượng nghiêm túc, nhưng phải khả thi; tránh tình trạng chỗ này chỗ khác khâu quản lý không thống nhất hoặc có trục trặc gì đó về vận hành thì đều ảnh hưởng đến cả kỳ thi.
Ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dù kết hợp cả 2 hình thức nhưng không tách giữa thi trên máy và thi trên giấy riêng. Có thể các trường đại học, thậm chí là các trường phổ thông, có điều kiện tăng cường dịch vụ hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp kết hợp tăng cường năng lực của các thầy cô, để chúng ta có những phòng thi đảm bảo tiêu chuẩn.
Ông Nhạ cũng nhấn mạnh thêm Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng của đề thi để giữa thi trên máy hay trên giấy chỉ là vấn đề hình thức lựa chọn, không phải là hai nội dung khác nhau.
Giai đoạn 2021 – 2025 là giai đoạn chuẩn bị thi trên máy làm sao cho chắc chắn để đổi mới cho tốt theo từng phần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Nhạ, vẫn là làm sao để nâng cao năng lực tổ chức thi cho tốt vì máy tính có tốt, phần mềm có chắc thì quyết định vẫn là con người. “Không phải cứ hệ thống tốt, công nghệ tốt mà đã hạn chế tiêu cực. Nếu không cẩn thận chính công nghệ tốt mà không quản lý tốt lại là “lỗ hổng” rất to. Do vậy, bên cạnh tích cực chuẩn bị hệ thống máy móc, phần mềm thì tôi rất nhấn mạnh đến việc chuẩn bị đội ngũ khảo thí”, ông Nhạ nói thêm.
Để làm được điều này, theo ông Nhạ, Bộ đã chỉ đạo các sở GD-ĐT, và tới đây sẽ kiện toàn đội ngũ khảo thí; bên cạnh đó, tăng cường năng lực và phẩm chất để làm sao khi áp dụng công nghệ vào sẽ phải vận hành chắc chắn.
Phương án tổ chức thi từ năm 2021 trở đi mà Bộ GD-ĐT trình bày để xin ý kiến góp ý tại buổi họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực sáng nay 25.9:
Từ 2021 trở đi, dự kiến học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu em nào có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Giai đoạn 2021 – 2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Về phương thức, kỳ thi vẫn được tổ chức thi trên giấy như hiện nay. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
(Theo Thanh Niên)