Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng về sự cố trường Gateway
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và có quy trình đưa đón học sinh chặt chẽ không để xảy ra những vụ việc tương tự như tại trường Gateway.
Bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non
Sáng 9/8, tại TP Nha Trang – Khánh Hòa, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 đối với giáo dục mầm non. Theo báo cáo, năm học 2018 – 2019, giáo dục mầm non trên cả nước đạt được những kết quả nổi bật về công tác thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non, nâng chuẩn và phát triển đội ngũ giáo viên, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với 99,98% trẻ được đến trường…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Điểm nhấn trong năm học vừa qua là việc Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, với nhiều nội dung quan trọng với cấp học mầm non, như nâng chuẩn giáo viên mầm non, đây là bước đột phá không những nâng cao chất lượng, tạo điều kiện tốt hơn cho thầy cô về chế độ đãi ngộ.
Năm học vừa qua, Bộ đã có nhiều cố gắng để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Cũng theo Bộ trưởng, giáo dục mầm non nước ta còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng các nhóm lớp tư thục độc lập còn rất nhiều, trong đó hơn 10% chưa cấp phép, đây là vùng trũng của giáo dục mầm non. Tình trạng bạo hành trẻ, chất lượng thấp cũng xuất phát từ đây. Nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên theo quy định, dù có chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn để hợp đồng, định biên đứng lớp thấp…
Thu nhập giáo viên mầm non thấp và thời gian làm việc dài. Tình trạng bạo lực học đường năm vừa rồi giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nên không thể chủ quan. Chất lượng đã có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế về vấn đề dinh dưỡng, chưa đảm bảo được yêu cầu dinh dưỡng với trẻ ở những độ tuổi phát triển. Về lượng đội ngũ, 20% còn ở mức dưới yêu cầu, nếu theo chuẩn mới là cao đẳng còn hơn 100.000 giáo viên chưa đạt chuẩn.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh
Liên quan đến vấn đề đưa đón học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Vụ Giáo dục Mầm non (thuộc Bộ GD-ĐT) cần rà soát các cơ chế chính sách hiện có để thay thế, chỉnh sửa và bổ sung kịp thời.
“Trong số các quy định về hướng dẫn an toàn cho trẻ, cần chú ý tới quy định cụ thể về dịch vụ đưa đón học sinh đến trường. Nhiều trường đã làm việc này rồi nhưng chưa thực sự chặt chẽ, tới đây phải rà soát, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để xảy ra những vụ việc tương tự như tại Gateway (Hà Nội) mới đây. Nhà trường phải có quy trình đưa đón, tham quan dã ngoại, trong đó đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, người đưa đón, kết nối gia đình và nhà trường để có đầy đủ thông tin, không có lỗ hổng trong quá trình đưa đón”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Tới đây Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an để nghiên cứu hướng dẫn khuyến khích sử dụng, áp dụng một số qui định về quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn, dấu hiệu nhận biết, các vị trí biển báo bến đón trả học sinh đối với dịch vụ hoạt động đưa đón học sinh, đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối cho học sinh. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ GTVT ban hành văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng thoát hiểm, cảnh báo, ứng phó với các tình huống nguy hiểm.
“Các sở GD-ĐT phải tăng cường công tác thanh kiểm tra, hạn chế các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập không đủ điều kiện, kiên quyết cho dừng các nhóm không có giấy phép, chú ý điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Tieu Diem