+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự nghiêm khắc phê bình vì để chậm thu phí không dừng

01/06/2020 14:09

Để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng phụ trách kiểm điểm, tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi UB Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng

Bộ GTVT cho biết, hiện nay cả nước có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc (82 trạm trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

Trong đó, Bộ GTVT quản lý 74 trạm (65 trạm trên các tuyến quốc lộ và 9 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc); UBND các tỉnh quản lý 19 trạm (17 trạm trên các tuyên quôc lộ và 2 hệ thông thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự nghiêm khắc phê bình vì để chậm thu phí không dừng
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Minh Đạt

Đối với các trạm do Bộ quản lý, hiện đã lắp đặt, vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39 trạm; còn 5 tuyến cao tốc do VEC (Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam) quản lý chỉ có 1 tuỵến cao tốc cầu Giẽ Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn.

Đối với các trạm thu phí do địa phương quản lý, đến thời điểm này có 6/19 trạm đã đầu tư và kết nối và dự án giai đoạn 1; 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án giai đoạn 2 nên có thể vận hành ngay khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành; 7/19 trạm còn lại, địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành.

Bộ GTVT nhìn nhận như vậy là chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Thủ tướng. Trong đó đặc biệt tiến độ thực hiện tại các dự án do VEC quản lý có đến 4/5 dự án đến nay chưa tổ chức lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng.

Theo lý giải của Bộ GTVT, việc chậm trễ này là do vướng mắc thành lập DN dự án nên giai đoạn 2 chưa thể triển khai thực hiện; số lượng xe dán thẻ chưa đạt được như yêu cầu (mới có khoảng 800 900 nghìn xe).

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân đặc thù đối với các dự án do VEC quản lý như vướng mắc về nguồn vốn và việc chuyển giao VEC về UB Quản lý vốn nhà nước tại DN dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo thực hiện…

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan do quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP rất phức tạp làm mất rất nhiều thời gian (10 tháng). Thêm vào đó, kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có…

Phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm

Bộ GTVT thừa nhận, tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc chậm so với chỉ đạo của UB Thường vụ QH và của Thủ tướng. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 2 buổi họp để đôn đốc triển khai và kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan đơn vị liên quan đến việc chậm tiến độ dự án.

Bộ trưởng GTVT đã chủ trì 3 buổi họp (vào các ngày 15/1, 18/3 và 25/3) chỉ đạo các thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, kiểm điểm đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

Kết quả kiểm điểm, có 8 tập thể thuộc Bộ GTVT có liên quan đều nghiêm túc kiểm điểm theo chức năng nhiệm vụ được phân công, trong đó có 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.

Về cá nhân, Bộ trưởng Bộ GTVT và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm. 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ. Trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm; 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng đảm bảo theo đúng lộ trình đã xây dựng.

Để tháo gỡ các vướng mắc, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đẩy nhanh việc ban hành, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư PPP, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam; sớm ban hành luật Đầu tư đối tác công tư.

Thu Hằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều