+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói có kế hoạch lớn cho giao thông phía Nam

08/04/2021 10:06

Ngày 7-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời phỏng vấn PV bên hành lang Quốc hội về hình hài giao thông sắp tới. 

Trước đó, phóng viên hỏi về những kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều quan tâm đến giao thông, đặc biệt là giao thông ở khu vực ĐBSCL.

* Bộ trưởng cho biết kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu vực phía Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng sắp tới sẽ ra sao?

– Kế hoạch rất lớn nhưng còn nhiều ẩn số bởi còn liên quan đến các bộ, Chính phủ, Quốc hội, tôi chỉ nêu những gì nằm trong tầm tay.

Đối với ĐBSCL, nếu nằm trong tầm tay chỉ có tuyến chính từ TP.HCM đi Cần Thơ, dự kiến trong năm nay sẽ xong đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận. Đoạn này hiện nay đang thảm nhựa, nguồn vốn nhà đầu tư đã thu xếp đầy đủ.

Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên tuyến cao tốc đã khởi công, tiến độ tương đối đảm bảo, theo kế hoạch đến 2023 sẽ hoàn thành cầu. Cầu Mỹ Thuận 2 hiện được Quốc hội bố trí vốn xây dựng là 5.000 tỉ đồng.

Đoạn thứ 3 là đoạn từ cầu Mỹ Thuận – Cần Thơ, tổng kinh phí 4.800 tỉ đồng, hiện có 3 gói thầu xây lắp đã khởi công, tiền đã trong tầm tay. Từ nay đến 2022, chúng ta sẽ xong cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ. Tóm lại, từ đây đến 2023 sẽ xong cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, đây là điều chắc chắn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói có kế hoạch lớn cho giao thông phía Nam - Ảnh 1.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam) đoạn qua huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Các kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông được nghiên cứu rất nhiều, Thủ tướng cũng nêu, song còn “ẩn số” đến tháng 10 năm nay, khi kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV thông qua danh mục tôi mới cung cấp được.

* Một trong những tuyến giao thông quan trọng ở khu vực phía Nam là Bến Lức – Long Thành vẫn còn vướng, ông cho biết tiến độ gỡ vướng đến đâu?

– Cao tốc Bến Lức – Long Thành hiện nay đang cần nguồn vốn 2.200 tỉ đồng, trong đó đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 200 tỉ đồng, vốn xây lắp khoảng 2.000 tỉ đồng.

Việc này Chính phủ đã thảo luận nhiều lần, trong nhiệm kỳ này chắc chắn phải giải quyết hoàn chỉnh. Thời điểm cụ thể phải chờ Thường trực Chính phủ mới quyết định.

* Việc phát triển hạ tầng giao thông phía Nam thời gian qua gặp những khó khăn gì, thưa ông?

– Đông Nam Bộ là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong thời gian dài vừa qua phát triển tương đối tốt. Song 1-2 năm gần đây tiến độ chậm lại, trong các nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ở khu vực này có nguyên nhân lớn là hạ tầng giao thông.

Hiện hàng hóa tiếp cận với các cảng lớn, nhất là cảng Cái Mép – Thị Vải đang gặp nhiều khó khăn. Trong nội vùng, giao thông đến cảng Cái Mép – Thị Vải cũng quá tải trên quốc lộ 51. Trong khi đó, hàng hóa từ ĐBSCL đi lên lại quá tải do thiếu đường tránh TP.HCM.

Do đó khu vực này cần tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án lớn, trong đó dự án đường vành đai 3 đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ này ban hành cơ chế và nguồn vốn, cố gắng làm sao hoàn thành nhanh nhất dự án đường vành đai 3.

Còn đường vành đai 4, một số đoạn rất quan trọng như đoạn đi qua Long An kết nối với cao tốc TP.HCM – Cần Thơ – cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An… nên các đoạn này cần được đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói có kế hoạch lớn cho giao thông phía Nam - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ngoài ra, hướng tâm đến TP.HCM còn một số quốc lộ quan trọng, đặc biệt cao tốc chưa được hình thành, như kết nối Tây Ninh qua Campuchia, đường cao tốc song song quốc lộ 22 từ TP.HCM đi Mộc Bài.

Bên cạnh đó, một cao tốc quan trọng nữa là TP.HCM – Chơn Thành để nối từ TP.HCM đi qua Bình Dương về Bình Phước, đặc biệt là tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Đây là các tuyến cao tốc hướng tâm rất quan trọng kết nối với hai đường vành đai 3, 4. Hiện nay, Chính phủ rất tập trung tìm nguồn lực, tìm giải pháp để sớm hoàn thành.

Khi hoàn thành các tuyến này, giao thông liên vùng của khu vực mới được cải thiện và điều kiện tăng trưởng của TP.HCM cũng như các tỉnh xung quanh sẽ tốt hơn.

* Theo ông, giao thông khu vực ĐBSCL hiện còn những điểm nghẽn nào?

– ĐBSCL hiện có những tắc nghẽn, trong đó tắc nghẽn lớn nhất là không có cảng nước sâu. Do đó hàng hóa của cả 13 tỉnh thành, nhất là 7 tỉnh miền Tây sông Hậu đều vận chuyển đến TP.HCM rất xa, chi phí vận chuyển rất lớn.

Chính phủ sẽ điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện thu hút nguồn lực, hình thành một cảng nước sâu trong khu vực, hiện nay định hướng là hình thành ở cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Khi có cảng này sẽ phát sinh thêm một đường cao tốc nối từ cảng Trần Đề với trung tâm của vùng – TP Cần Thơ và An Giang, xa hơn nữa là đi qua Campuchia. Đồng thời, cần thêm một tuyến cao tốc từ Cần Thơ đi xuống Cà Mau.

Đây là những tuyến cao tốc rất cần thiết cho khu vực để phát huy vận chuyển, kết nối vận chuyển hàng không và hàng hải. Chính phủ rất tập trung, tùy theo điều kiện, khả năng sẽ cố gắng nhanh nhất có thể đầu tư những dự án quan trọng này.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu đường sắt, nếu đường sắt TP.HCM – Cần Thơ được đầu tư chắc chắn sẽ giảm chi phí vận chuyển, giảm lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ bởi hiện nay nhu cầu người dân từ các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.HCM đi các tỉnh thành ĐBSCL và ngược lại rất lớn.

NGỌC HIỂN – TIẾN LONG/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều