+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình về năng lực của ACV xây sân bay Long Thành

12/11/2019 15:26

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, giao cho ACV đầu tư sân bay quốc tế Long Thành sẽ không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và không huy động khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về những ý kiến của đại biểu về dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về những ý kiến của đại biểu về dự án xây dựng sân bay Long Thành.

Dù đặt mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào năm 2025, nhưng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về vấn đề nợ công, giải phóng mặt bằng, cũng như năng lực của đơn vị được chỉ định thầu – Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Ngày 12.11, báo cáo giải trình trước Quốc hội về những lo ngại nêu trên của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, nhu cầu hoàn thành giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025 là hết sức cần thiết, do sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Tổng mặt bằng quy hoạch dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tổng mặt bằng quy hoạch dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, nếu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ, dự kiến quý I năm 2020, Thủ tướng phê duyệt dự án, nhà đầu tư sẽ dành một năm để làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, kết hợp với được bàn giao mặt bằng thì dự án sân bay Long Thành sẽ khởi công vào đầu năm 2021. Với sự chuẩn bị này, dự kiến đúng tiến độ đến năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1.

Giải trình trước ý kiến đại biểu lo ngại về năng lực của ACV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay: Hiện doanh nghiệp này có khoảng 25 nghìn tỉ đồng. Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỉ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (sau khi đã cân đối kế hoạch đầu tư phát triển 21 cảng hàng không mà ACV đang quản lý, khai thác theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải). Kế hoạch từ nay đến 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước, ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường, nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.

“Chúng tôi sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất”- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói.

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải khẳng định, phương án giao cho ACV đầu tư cũng sẽ không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và không huy động khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Khi sân bay này vừa hoàn thành, lượng khách thông qua có thể đạt ngay 20 – 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao”.

(Theo Lao Động)

Bài mới
Đọc nhiều