Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đất nước thịnh vượng cần hạ tầng giao thông hiện đại
Dự án cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh và sân bay Long Thành giai đoạn một sẽ hoàn thành trong 5 năm tới được coi là 3 dự án tạo ra “đột phá” phát triển cho đất nước.
Đầu Xuân Tân Sửu 2012 và cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (2021-2026), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN về định hướng phát triển hạ tầng giao thông quốc gia theo mục tiêu được đề ra trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – QL45 ở Thanh Hóa.PV: Thưa Bộ trưởng, là người đứng đầu ngành giao thông, ông nhìn nhận như thế nào về những việc làm được, chưa làm được của ngành trong nhiệm kỳ vừa qua?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã khẳng định chủ trương tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, trong đó nêu rõ “đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ với một số công trình hiện đại”.
Những năm qua, công tác quản lý đầu tư, xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông có những chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn 2016-2020, chúng tôi đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng như các tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bắc Giang – Lạng Sơn; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Hải Phòng – Quảng Ninh, Hạ Long – Vân Đồn; La Sơn – Túy Loan, Trung Lương – Mỹ Thuận với tổng số khoảng 468 km.
Nhiều quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp như cảng cửa ngõ Hải Phòng; cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Thịnh Long, Hưng Hà; hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân; cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long; đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi…
Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trên cả 3 tiêu chí (số vụ, người chết và người bị thương). Bên cạnh kết quả rõ nét đã đạt được, tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành, còn một số hạng mục chưa hoàn thành trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tình hình an ninh, trật tự tại một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong công tác triển khai thu phí hoàn vốn các dự án…
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải còn tồn tại một số hạn chế; nhiều việc cần giải quyết trong xây dựng chính sách, nhất là hoàn thiện các nghị định, thông tư về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
PV: Trong giai đoạn 2016 – 2020 các dự án, công trình giao thông khởi công còn ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển, trong đó việc hoàn thành 2.000km đường bộ cao tốc chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra. Xin Bộ trưởng cho biết lý do?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thời gian qua, chúng tôi đánh giá các dự án xây dựng công trình giao thông đã hoàn thành cơ bản đáp ứng tiến độ, đảm bảo yêu cầu chất lượng, công năng sử dụng theo yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế, khả năng thu hút vốn xã hội hóa chưa nhiều nên một số mục tiêu quan trọng đặt ra tới năm 2020 chưa thực hiện được, như cả nước mới có khoảng 1.200km đường cao tốc (kế hoạch hoàn thành khoảng 2.000km), tuyến đường sắt Bắc-Nam chưa hoàn thành cải tạo, nâng cấp.
Ngoài ra, vẫn còn một số dự án bị chậm tiến độ, một số dự án khi đưa vào khai thác sử dụng có xuất hiện những khiếm khuyết ở một số hạng mục, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành..
PV: Hiện nay vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao. Xin Bộ trưởng cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nguyên nhân chi phí đường bộ cao do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Trong khi đó, các loại hình vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển có chi phí thấp, song thời gian vận chuyển kéo dài và chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ.
Toàn bộ hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải đưa lên TP HCM xuất khẩu nên lãng phí, tốn kém chi phí vận chuyển. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ xây dựng một cảng biển nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cảng được xây dựng tại khu vực Cửa Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cách bờ khoảng 16km, hàng hóa được đưa từ đất liền ra cảng bằng cầu, khi đó tàu có trọng tải đến 100.000 tấn hoạt động được mà không cần nạo vét, tránh được tình trạng nước cạn.
Chúng tôi thấy rằng cần đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, ga đường sắt, cảng thủy nội địa.
Đối với ngành đường sắt cần xây dựng các ga đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại cho các ga đầu mối vận chuyển hàng hóa như Yên Viên, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Ngọc Hồi ở khu vực phía Bắc và ga Dĩ An, Trảng Bom, An Bình ở phía Nam. Bên cạnh đó, cần phát triển vận tải container trên các tuyến đường thủy nội địa thông qua việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị bốc xếp container tại các cảng thủy nội địa, phát triển phương tiện vận tải chuyên dụng.
PV: Phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá đưa đất nước thịnh vượng như mục tiêu văn kiện Đại hội XIII, vậy kế hoạch hành động của Bộ GTVT tập trung vào những khâu then chốt nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi sẽ tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển.
Siêu dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 5 tỷ USD.Ngành giao thông cũng sẽ triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM để giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đô thị.
Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 tới đây, dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau và tuyến đường Hồ Chí Minh, hoàn thành giai đoạn một cảng hàng không quốc tế Long Thành, coi đây là các dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia.
Ngành GTVT có 3 nhiệm vụ trụ cột: Một là phát triển và duy trì năng lực, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông; Hai là phát triển và quản lý hiệu quả, cơ cấu cân đối thị trường vận tải; Ba là quản lý hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn.
Trong đó, nền tảng để tạo nên đột phá là thể chế, đó là: Động lực của đột phá trong giai đoạn này là khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ thi công, vật liệu mới).
Cụ thể, trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế. Coi đây là điểm đột phá, làm sao để các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch để tổ chức thực hiện tốt hơn. Từ đó tạo động lực thu hút nhiều nguồn lực đầu tư; quản lý đầu tư, khai thác và vận hành công trình hiệu quả; giúp tăng cường quản lý vận tải và kiềm chế tai nạn, đảm bảo an toàn cho người dân.
Thứ hai là đầu tư vào khoa học công nghệ. Để nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới phát triển giao thông ở Việt Nam, chúng ta cần phải sửa luật, thiết kế lại bộ máy, ưu tiên ngân sách, ưu đãi tài chính cho các công nghệ mới, phải đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ cao.
Đồng thời triển khai đúng tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao…
Một trong những định hướng mới trong thời gian tới là không dồn sức mở rộng quốc lộ hiện hữu (chi phí đền bù rất cao, thường tạo điểm nóng gây bức xúc cho người dân) mà tập trung xây dựng các tuyến đường song hành.
Huy động các nguồn lực để sớm hình thành hệ thống GTVT tương đối tốt ở các vùng còn thiếu điều kiện cơ sở hạ tầng như miền núi Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL…
PV: Để thực hiện được mục tiêu đó cần nguồn lực rất lớn, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư cho giao thông chắc chắn không đủ, vậy ngành giao thông sẽ huy động nguồn lực như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Như tôi đã nói, để đất nước đi lên thịnh vượng, cần hạ tầng giao thông hiện đại.
Để giao thông “đi trước mở đường”, ngành GTVT phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.858km đường cao tốc, cơ bản kết nối đường cao tốc với các trung tâm tỉnh lị, cảng biển, cửa khẩu biên giới, cảng hàng không, tạo nên một hệ thống liên hoàn để phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ GTVT sẽ huy động các nguồn lực để sớm hình thành hệ thống GTVT tương đối tốt ở các vùng còn thiếu điều kiện cơ sở hạ tầng như miền núi Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL…Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng ở Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.
Một trong các giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, đã được nêu trong dự thảo Văn kiện là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công – tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công.
Để thu hút đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, cần có một chính sách pháp luật ổn định và hoàn chỉnh; lựa chọn các dự án đầu tư theo phương thức PPP cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm dự án khả thi về hiệu quả tài chính…
Bộ GTVT cũng cho rằng việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT trước đây sẽ có tác động tích cực, tạo niềm tin, môi trường thuận lợi để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ rất quan tâm đến các cơ chế bảo lãnh (như bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng,…). Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã bao gồm các cơ chế về bảo lãnh doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ.
Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn tín dụng nước ngoài để triển khai đầu tư các dự án.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Phi Long/VOV0.