Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giảm thiểu tổn thương của ngành giáo dục trước dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Bộ xác định tinh thần chung của năm học tới là “chuyển trạng thái, sự thích ứng và giảm tác động tiêu cực, tránh, giảm thiểu những tổn thương của ngành giáo dục trước dịch bệnh”.
Giáo dục tổn thương sẽ mất thời gian dài hơn để khắc phục
Ngày 12.8, phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, câu chuyện của dịch bệnh đặt ra những thách thức rất lớn đối với quốc gia, toàn xã hội, trong đó có ngành GD-ĐT, đặc biệt lại vào thời điểm những năm đầu tiên đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bối cảnh thì khó khăn, kỳ vọng thì lớn, nhiệm vụ thì nặng nề, nhiều thách thức.
Vì vậy, ông Sơn cho hay lãnh đạo Bộ thống nhất xác định tinh thần chung của năm học là triển khai năm học trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát diễn biến phức tạp, khó lường, nên cần ưu tiên trước mắt tập trung các biện pháp để chuyển trạng thái của ngành giáo dục thích ứng với bối cảnh của dịch bệnh, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch, giảm mức độ tổn thương của ngành giáo dục trước dịch bệnh và ra sức thực hiện mục tiêu chất lượng để hoàn thành kế hoạch dạy và học đảm bảo môi trường trường học an toàn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận: “Nếu dịch được kiểm soát, các ngành kinh thế có thể sớm khắc phục nhưng giáo dục bị tổn thương thì sẽ mất thời gian dài để khắc phục, tác động đến một số lứa học sinh. Do đó cần chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, quan điểm, để triển khai thật phù hợp; cố gắng biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội để thích ứng, thay đổi và giảm thiểu tiêu cực.
Phải tận dụng “thời gian vàng” để dạy trực tiếp những nội dung cốt lõi
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng, trong những nguy cơ bị tổn thương và ảnh hưởng của giáo dục thì đối tượng có nguy cơ tổn thương nhất là bậc tiểu học. Ngành giáo dục khó khăn thì giáo dục tiểu học khó khăn lớn nhất. Các bậc cuối cấp có thể chuyển sang dạy học trực tuyến nhưng tiểu học, đặc biệt là lớp đầu cấp, thì cảm nhận trực quan, sinh động, tương tác trực tiếp là hết sức quan trọng.
Bộ đã ban hành khung chung về kế hoạch năm học, nhưng các địa phương phải linh hoạt, chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị mình.
“Chúng ta phải tận dụng thời gian vàng để dạy trực tiếp. Trực tuyến vẫn có sức mạnh, phát huy được tác dụng nếu chuẩn bi tốt, sẵn sàng. Nhưng trực tiếp vẫn là quan trọng nhất nên phải tận dụng thời gian cho việc này”, ông Kim Sơn nhấn mạnh.
Việc “tận dụng thời gian vàng dạy trực tiếp” được ông Sơn nêu hình dung: Cần linh hoạt trong quá trình thực hiện trong nội dung. Vụ Giáo dục tiểu học cần sớm ban hành hướng dẫn giảng dạy các nội dung cốt lõi, căn bản. Khi bắt đầu những ngày đầu tiên của năm học thì nên đi ngay vào dạy chương trình cốt lõi này.
Địa phương linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học các nội dung cốt lõi, căn bản này trong thời gian học sinh học trực tiếp được. Sau đó may mắn vẫn bình yên thì mở rộng thêm, nếu phải chuyển sang dạy học trực tuyến thì củng cố, bổ sung cho phù hợp.
“Như vậy, đây là sự chuyển trạng thái về cách thức thực hiện nội dung chứ không cứng nhắc nội dung này phải dạy ở tuần này, nội dung kia ở tháng kia; cũng phải cân nhắc kiểm tra đánh giá cho phù hợp”, ông Sơn lưu ý thêm.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: “Chúng ta phải mất nhiều năm để xây dựng thói quen theo kế hoạch đồng bộ cả nước nhưng dịch bệnh, chiến tranh nếu cứng nhắc thì lại là thất bại. Do đó sự linh hoạt tối đa dành cho các địa phương, thậm chí từng trường, từng tổ chuyên môn trong thực hiện chương trình và triển khai thực hiện nội dung, dựa theo đầu ra và tính cốt lõi”.
Bên cạnh đó, địa phương cần có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người học trong sự chuyển hướng này.
Ông Kim Sơn cho biết, từ nay đến trước năm học, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện năm học khả thi trong một năm đầy thách thức, khó khăn, biến động. “Mục tiêu bất biến là chất lượng, trách nhiệm của ta với học sinh”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.
Quỳnh Trang