+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Tôi và đoàn công tác không ai nhiễm Covid-19’

23/03/2020 12:45

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 43 sáng nay, 23.3, cho ý kiến về luật Đầu tư sửa đổi do Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì soạn thảo. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có mặt tại phiên họp này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội /// Ảnh Gia Hân
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

“Không vì quản lý không được mà chúng ta cấm”

Tại phiên họp, nhiều vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm vẫn xoay quanh việc có nên cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không.

Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Theo ông Thanh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất là không cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình không nên cấm dịch vụ đòi nợ.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề: Việt Nam lâu nay đi vận động các nước công nhận là nền kinh tế thị trường, và đây là kinh tế thị trường thì tại sao lại cấm? Thị trường phải sinh ra những chuyện như này, thay vì cấm thì đưa ra chế tài tốt hơn để hạn chế mặt xấu của nó. “Nghiên cứu chế tài tốt hơn là thấy cái gì khó thì cấm kinh doanh”, ông Phúc bày tỏ.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại cho rằng, nguyên tắc là công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, nhưng pháp luật cấm vì có lý do. Theo ông Lưu, 4 lý do như Chính phủ đã trình về việc cấm dịch vụ này là thuyết phục.

Ông Lưu phân tích, hiện đòi nợ là hợp đồng dân sự, có thiết chế giải quyết khi xảy ra tranh chấp như: hòa giải, trọng tài, tòa án. Vậy tại sao không qua các tổ chức này mà qua trung gian là đòi nợ thuê? Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai luật Đầu tư thấy rằng không mang lại hiệu quả tốt, mà biến tướng, lợi dụng để gây bất ổn an ninh trật tự.

“Không nên tiếp tục duy trì hình thức đòi nợ thuê. Cấm là hợp lý”, ông Lưu nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện hiện nay, kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang là thực tế, dù rằng có trường hợp lợi dụng loại hình kinh doanh này để biến tướng, nảy sinh các băng nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện tốt quản lý nhà nước với loại hình kinh doanh này, và chưa quy định chặt chẽ dịch vụ kinh doanh đòi nợ. “Đây là do quản lý kém. Do đó không nên cấm, nhưng cần quy định lại các danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho chặt chẽ, trong đó có dịch vụ đòi nợ. Cần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước để tránh biến tướng. Không vì quản lý không được mà chúng ta cấm”, bà Ngân nói.

Rà soát cho thấy “không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là các băng nhóm xã hội đen”

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người vừa trở lại làm việc sau thời gian cách ly phòng dịch Covid-19, đã bày tỏ cảm ơn mọi người đã gọi điện thăm hỏi, động viên ông trong thời gian cách ly.

“Tôi và các đồng chí trong đoàn công tác của Bộ Kế hoạch – Đầu tư không ai bị dương tính với Covid-19 (SARS-CoV-2), và hiện đang tập trung các giải pháp để phát triển kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Dũng nói.

Liên quan đến dịch vụ kinh doanh đòi nợ, theo Bộ trưởng Dũng, đây là vấn đề hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn. Thực tế đây là vấn đề được điều chỉnh bởi các quy định về quan hệ dân sự, nhưng khi rà soát 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này tại Hà Nội và TP.HCM thấy rằng, không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh, chủ yếu là các băng nhóm xã hội đen, cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao, dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp, trong khi đóng góp của lĩnh vực này không đáng bao nhiêu.

Mặt khác, theo ông Dũng, việc thiết kế thiết chế quản lý chặt chẽ là rất khó, là thách thức lớn cho cơ quan soạn thảo. Từ đó, ông Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc vấn đề này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết phương án nào và sẽ đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới.

Bài mới
Đọc nhiều