+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cảnh giác ‘đường lưỡi bò’ phát tán tràn lan

05/11/2019 20:15

“Nếu ‘đường lưỡi bò’ phát tán tràn lan ở Việt Nam thì phải suy nghĩ, phải có cảnh giác lưu tâm và trách nhiệm cao hơn”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5-11.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cảnh giác đường lưỡi bò phát tán tràn lan - Ảnh 1.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về vấn đề chặn “đường lưỡi bò” – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại họp báo, một số phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phim hoạt hình, trên bản đồ định vị của xe Volkswagen, sách giáo khoa…

“Tại sao hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ lại dễ dàng lọt vào các sản phẩm này? Trách nhiệm để xảy ra vụ việc thuộc về ai? Sắp tới Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng cố tình đưa ‘đường lưỡi bò’ vào các sản phẩm ở Việt Nam?”, báo chí đặt câu hỏi.

Rà soát hình ảnh, âm thanh để chặn “đường lưỡi bò”

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc ngăn chặn “đường lưỡi bò” gắn với trách nhiệm của các cơ quan liên quan, như trường hợp bộ phim thì trách nhiệm là hội đồng thẩm định và Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch; với ôtô thì kiểm tra theo lô, mẫu đại diện với việc cải cách cho nhà nhập khẩu, nhưng trách nhiệm xác định trước hết là doanh nghiệp ôtô.

“Do không có tiền lệ, không mấy khi kiểm tra nên tới đây phải có quy định. Đồng thời cần khuyến cáo với người dân, nếu ‘đường lưỡi bò’ phát tán tràn lan ở Việt Nam thì phải suy nghĩ, phải có cảnh giác lưu tâm và trách nhiệm cao hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cảnh giác đường lưỡi bò phát tán tràn lan - Ảnh 2.
Bà Trịnh Thị Thủy, thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch – Ảnh: NGỌC HIỂN

Trước đó, bà Trịnh Thị Thủy, thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, cho biết đã xử lý vụ việc “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phim hoạt hình, bao gồm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, cụ thể là hội đồng duyệt phim với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu Cục Điện ảnh.

Bà Thủy nhấn mạnh đây là vụ việc có thể tái diễn nên bộ cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan đến hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là Cục Điện ảnh, kiện toàn lại nhân sự trong rà soát nội dung, cấp phép và phổ biến phim, tăng cường nhân lực và chất lượng đội ngũ.

“Kiện toàn lại hội đồng duyệt phim quốc gia, thành lập hội đồng và với lĩnh vực cụ thể có thể mời thêm chuyên gia để cùng phối hợp và hỗ trợ, tham vấn cho hội đồng. Bộ cũng giao các đơn vị liên quan xây dựng công cụ kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ thêm cho hội đồng, cơ quan quản lý nhà nước rà soát hành vi vi phạm”, Thứ trưởng Thủy nói.

“Ví dụ cho trung tâm công nghệ rà soát hình ảnh, âm thanh và lời thoại trong phim. Bộ cũng đề nghị cơ quan, doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được tùy tiện nhập ấn phẩm về và phó thác trách nhiệm cho cơ quan thẩm định”.

Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo thì thông tin về trường hợp Trường ĐH Kinh doanh công nghệ có sách chứa nội dung “đường lưỡi bò”: Bộ đã có công văn yêu cầu dừng ngay việc sử dụng và lưu hành, thu hồi giáo trình, rà soát quy trình thẩm định, lựa chọn giáo trình lưu hành trong nhà trường, làm rõ sai phạm các cá nhân có liên quan.

Yêu cầu nhà nhập khẩu ôtô cam kết không sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”

Với trường hợp ôtô nhập về có bản đồ “đường lưỡi bò”, ông Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng đây là sự việc có tính nghiêm trọng.

Bộ Công thương đã làm việc với công ty vận tải, công ty này thừa nhận do có sơ suất không phát hiện nên đã cam kết kiểm tra, thu hồi toàn bộ. Nếu chưa khắc phục thì tạm dừng việc nhập khẩu cho đến khi khắc phục xong – thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cảnh giác đường lưỡi bò phát tán tràn lan - Ảnh 4.
Ông Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công thương – Ảnh: NGỌC HIỂN

Bộ Công thương cũng yêu cầu các công ty nhập khẩu ôtô nước ngoài có văn bản cam kết không sử dụng bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, báo cáo về bộ trước ngày 15-11.

Khi tiến hành nhập khẩu, doanh nghiệp phải kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo không có bất kỳ bản đồ nào trên các xe hơi.

“Bộ Công thương cũng có văn bản phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Đăng kiểm để kiểm tra chặt chẽ mặt hàng ôtô. Với các hàng hóa khác thì bộ đã làm việc với các đơn vị liên quan, kiểm tra kiểm soát, xác định mức độ vi phạm để xử lý”, ông Cao Quốc Hưng nói.

“Lâu dài bộ đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong bộ và các sở công thương tăng cường rà soát và ngăn chặn hành động tương tự xảy ra đối với tất cả các hoạt động trong ngành. Lâu dài phải tiến hành biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này”.

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều