Bộ trưởng LĐTB&XH chỉ đạo làm rõ vụ tố bị xâm hại ở Bình Dương
Cháu NTH (SN 28-11-2001) có đơn tố cáo ông NSV, cán bộ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương có hành vi xâm hại tình dục, hiếp dâm trong thời gian dài…
Chiều 27-11, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết sau khi nhận được thông tin cháu NTH bị ông NSV, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương, xâm hại, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có văn bản yêu cầu giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và Bình Dương chủ động nắm bắt sự việc, chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, các cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác điều tra làm rõ vụ việc.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và Bình Dương chỉ đạo trung tâm hỗ trợ xã hội hai tỉnh rà soát công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng thực hiện theo quy định pháp luật và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.
Trước đó, cháu NTH (SN 2001) có đơn tố cáo ông NSV, cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương có hành vi sàm sỡ, hiếp dâm trong thời gian dài.
Theo đơn, giữa năm 2017, em H. bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương. Trong quá trình ở trung tâm, em H. bị ông NSV xâm hại, hiếp dâm. Khi em H. chống cự và phản kháng thì bị nhân viên này đánh.
Đến năm 2019, em H. được chuyển về Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM trên đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tại đây, em H. có những biểu hiện tâm lý bất thường.
Qua công tác chia sẻ, tìm hiểu, bước đầu phía Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM nhận định em H. bị sốc tâm lý nặng do bị hãm hiếp nhiều lần.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đang phối hợp cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ.
Liên quan đến tình trạng xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa có công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo đó, đơn vị này nhận định tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra trong cả gia đình, nhà trường, các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng, trong đó nhiều đối tượng gây bạo lực, xâm hại trẻ em là người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Vì vậy, bộ trưởng yêu cầu đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn. Chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả vụ việc, những người vi phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.
“Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật…” – bộ trưởng nhấn mạnh.
VIẾT LONG/Pháp Luật