Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về sai sót của sách giáo khoa
Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định luật Giáo dục quy định Bộ trưởng GD-ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa. Vừa qua, Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT.
Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm
Sách giáo khoa (SGK) và đổi mới giáo dục là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề cập, tranh luận tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội tại QH, sáng 4.11.
Dành phần lớn bài phát biểu dài 7 phút để nói về SGK, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) kiến nghị các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. “Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ”, bà Hiền nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong sự cố về SGK lớp 1. “Đặc biệt, lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng cấp, từng bộ phận. Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm”, bà Hiền kiến nghị.
Ngữ liệu sách giáo khoa phải mang hơi thở cuộc sống
Biên soạn SGK cho chương trình mới đối với lớp 1 trong năm học này, lớp 2 và lớp 6 cho năm học tiếp theo cần phải đưa ngữ liệu mang hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại.
Khi viết SGK, hạn chế đưa những ngữ liệu xưa cũ, lạc hậu, xa vời thực tế, trái ngược với sự phát triển của thời đại. Ngữ liệu trong SGK nhằm dạy HS của thời đại mới, lấy học sinh (HS) hiện nay làm trung tâm chứ không phải lấy “người biên soạn, người thẩm định làm… trung tâm” cũng không phải lấy “HS của mấy chục năm trước” làm trung tâm.
Vì thế, người biên soạn và thẩm định SGK cần đứng ở góc độ của HS hiện nay. Có như thế ngữ liệu mới phù hợp, đem đến niềm vui, lợi ích cho HS.
SGK, đặc biệt với môn tiếng Việt, ngữ văn cần lắm những ngữ liệu mới. Những bài thơ, truyện,văn bản nhật dụng, tranh ảnh… cần có những tác phẩm mới gắn liền với thế kỷ 21, cần có “bóng dáng” của HS thế kỷ 21. Đó là những câu chuyện gắn bó với đời sống của HS thời đại hôm nay trong sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực.
Thái Hoàng
Tranh luận với ĐB Phạm Thị Minh Hiền, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh bày tỏ bà chia sẻ với những lo toan, trăn trở của các ĐB, song cho biết “đổi mới chương trình SGK là việc lớn và rất khó”. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, vừa rồi xảy ra đại dịch Covid-19, khiến hoạt động bồi dưỡng giáo viên, học sinh chịu áp lực rất lớn. Việc chuẩn bị cho các em 5 tuổi vào lớp 1 không đủ thời gian vì phải ở nhà do dịch. Bà Minh mong ĐB hiểu những điều đó, nhìn nhận cả chặng đường triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, để có sự đồng thuận, chia sẻ với ngành giáo dục. “Những hạn chế, “sạn” SGK là điều không tránh khỏi và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có những hứa hẹn, và có chỉ đạo rất quyết liệt trong ngành”, bà Minh nói.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là hết sức đúng đắn. “Tôi tin tưởng rằng Bộ GD-ĐT thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và có sự góp ý của các giáo sư, tiến sĩ và ban chỉ đạo. Tất nhiên, đây là lần đầu tiên nên việc thực hiện không thể tránh khỏi sai sót cần phải rút kinh nghiệm”, ông Phương nhận định, và cho rằng không nên đẩy sự việc lên mức độ khiến người dân mất niềm tin về Bộ GD-ĐT. “Ngành GD-ĐT mới làm lần đầu tiên, có những sơ suất như thế thì đề nghị phải có những chia sẻ, làm thế nào đó để cùng chung sức, đồng lòng với Bộ GD-ĐT trong thực hiện Nghị quyết 29 thành công”, ông Phương kiến nghị.
Đã thay chủ tịch hội đồng thẩm định sách tiếng Việt 1
Được mời giải trình vấn đề SGK mà các ĐB quan tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định luật Giáo dục mới sửa đổi quy định rất rõ về trách nhiệm về SGK, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng thẩm định và quy trình thẩm định ra sao… “Luật quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK ở tất cả các khâu đó. Việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đam nói. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng dù không thuộc thẩm quyền, song Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm tới SGK. Theo ông Đam, qua nhiều lần làm việc với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của QH, có thể nói cuốn SGK tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt là có lỗi, và cần phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học.
Chương trình chưa lấy ý kiến rộng rãi và thực nghiệm đúng quy định
Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của QH (Ủy ban) đã có báo cáo nhanh về vấn đề liên quan tới SGK tiếng Việt lớp 1. Theo đó, Ủy ban cho biết đến nay đã có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK này để sử dụng cho năm học 2020 – 2021. Tuy nhiên, hiện nay trên báo chí và mạng xã hội có nhiều phản ánh về chương trình, SGK, như chương trình còn nặng, đặc biệt môn tiếng Việt “nặng và khó hơn”. Về SGK, Ủy ban cho biết các ý kiến phản ánh tập trung vào sách tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều với các nội dung như: sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục…
Từ đó, Thường trực Ủy ban cho rằng việc thẩm định chương trình giáo dục phổ thông (chương trình) và các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT triển khai đúng quy trình, bảo đảm theo quy định của luật Giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã ký ban hành chương trình, SGK theo luật định. Tuy nhiên, việc ban hành chương trình chưa được công bố lấy ý kiến rộng rãi và thực nghiệm một cách đúng quy định. Thường trực Ủy ban cũng cho rằng Hội đồng thẩm định chất lượng SGK chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. “Theo quy định tại luật Giáo dục 2019 thì việc đảm bảo chất lượng chương trình, SGK thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”, báo cáo của Ủy ban khẳng định và cho biết Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi và tổ chức khảo sát về việc triển khai chương trình, SGK lớp 1, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát Nghị quyết 88 để gửi đến Ủy ban Thường vụ QH ĐBQH tại Kỳ họp thứ 10.
Ông Đam cũng khẳng định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã báo cáo và nhìn nhận rõ là có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. “Bộ trưởng cũng đã có các bước chỉ đạo, theo như chúng tôi được báo cáo thì cũng khá cương quyết. Chẳng hạn, Bộ trưởng đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt 1”, ông Đam thông tin, và cho biết Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và “nghiêm khắc” để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy nữa.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí là trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ, sẽ góp ý, từ đó tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng. “Những ý kiến nào chưa đúng thì giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận, vì tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu”, ông Đam nói.
PV/TN