+
Aa
-
like
comment

‘Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà!’

10/11/2021 14:50

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh&Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn lần đầu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

[youtube]https://www.youtube.com/watch?v=5rNH1kDO4G0[/youtube]

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về các vấn đề xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19,…

Tại phiên họp, các đại biểu: Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương); Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình); Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu); Dương Minh Ánh (Hà Nội);… chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH các nội dung: Chăm lo cho trẻ em mồ côi cha mẹ vì đại dịch COVID-19; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm; giải pháp đơn giản hóa thủ tục để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khắc phục tình trạng phát nhầm, nhận nhầm; giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp;…

Khuyến khích thiện nguyện nhưng phải đúng luật

Trước những bức xúc của dư luận về việc một số cá nhân làm từ thiện thiếu minh bạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về nguyên tắc nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, gặp thiên tai, địch họa.

Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo Nghị định 64, đây là 2 cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.

Vừa qua, các tổ chức cá nhân đã thực hiện việc mua, chuyển hàng đến người dân khó khăn. Chúng tôi chủ trương khuyến khích nhưng làm từ thiện phải trên cơ sở có nguyên tắc, quy định pháp luật.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 64, và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 để thay thế. Trong đó, nêu rõ cách làm, huy động bằng tiền, quyên góp hiện vật thì đều có hướng dẫn cụ thể. Bộ trưởng bày tỏ: Khi Nghị định 93 có hiệu lực, hoạt động từ thiện này sẽ đi vào nền nếp. Còn vừa qua, ai làm sai chúng ta buộc phải xử lý, dù không muốn.

Nghị định 93 đã quy định rõ các hoạt động tài trợ, thiện nguyện

Giải trình thêm về quản lý hoạt động thiện nguyện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị định 64 năm 2008 về hoạt động này đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm và đã được khắc phục bằng Nghị định 93 vừa ban hành.

Nghị định 93 đã quy định rõ các đối tượng từ MTTQ đến Hội Chữ thập đỏ, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động vận động tài trợ, thiện nguyện, việc phân bổ các vật tư, hàng hóa cho đối tượng được thụ hưởng; phải ghi chép cụ thể các chi tiêu; được mở các tài khoản với từng đợt huy động và sau vận động phải đóng tài khoản; quy định chế độ báo cáo một cách chặt chẽ như trước khi vận động thì phải đăng ký với UBND nơi vận động, trong vòng 3 ngày, UB phải trả lời người dân về việc vận động từ thiện…

Nghị định 93 cũng quy định các hình thức vận động; thanh tra hoạt động vận động tài trợ xem có đúng quy định pháp luật hay không.

Về việc rà soát kết quả các hoạt động thiện nguyện, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an đang giao Cục Cảnh sát hình sự xem xét các nguồn tin về việc sử dụng tiền cứu trợ người dân trong đợt mưa lũ ở miền Trung năm 2020.

Đơn vị này đang phối hợp với các ngân hàng để rà soát hoạt động tiếp nhận quyên góp của các nghệ sĩ, việc chi tiêu từ các tài khoản này. Cục Cảnh sát hình sự cũng phối hợp với các địa phương để xem xét việc giải ngân tiền từ thiện tới người dân.

Hiện Công an TPHCM đã tiếp nhận 6 đơn tố giác của công dân về những sai phạm trong việc sử dụng tiền từ thiện của các nghệ sĩ, mọi hoạt động đang thực hiện theo đúng quy trình pháp luật.

Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà!

Trả lời vấn đề của đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng chậm triển khai hỗ trợ người dân, Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp lãnh đạo đã giao Bộ đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cán bộ trong ngành đã làm ngày làm đêm, thứ bảy, chủ nhật nào cũng làm.

“Tinh thần tôi nói thẳng là: Người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà!” Theo đó, anh em đều rất quán triệt, triển khai xây dựng chính sách rất nhanh. Chúng tôi đã cố gắng hết mức, chỉ những việc vượt luật thì để lại, còn vướng mắc nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì trình sửa ngay, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, các chính sách theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 không thể nào thông thoáng hơn, có chính sách như hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không phải kê khai gì, chỉ chờ tiền về tài khoản. Nghị quyết 68 cũng chỉ phát hiện 2 vướng mắc và đã sửa ngay bằng Nghị quyết 126.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc triển khai có nơi còn cứng nhắc. Ông dẫn chứng, có một địa phương chỉ chi tiền ăn hỗ trợ F0 và trẻ em phải cách ly mà trình bày 3 trang giấy về vướng mắc. “Tôi phải nói, các đồng chí cứ làm đi, tiền ăn của F0 và trẻ em mà sai thì tôi chịu trách nhiệm. Từ đó địa phương mới cho thanh toán”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đã xử lý xong việc phát nhầm tiền hỗ trợ

Giải trình về thông tin tỉnh Bình Dương phát nhầm tiền hỗ trợ cho khoảng 22.000 người, Bộ trưởng khẳng định, đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc và cho biết, ngay sau thời điểm nhận được thông tin, Bộ trưởng đã liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nghiên cứu kỹ báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội địa phương, đồng thời cử ngay đoàn công tác vào kiểm tra, xử lý.

Tham gia đoàn còn có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động và một số bộ, ngành liên quan… Tại địa phương, đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình, gặp những người trực tiếp phát, trực tiếp nhận.

Bộ trưởng cho biết, con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp. Đây là chính sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động như giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800 nghìn đồng/người.

Tuy nhiên trong quá trình kê khai, số lượng tăng lên quá nhiều, tỉnh Bình Dương thấy bất thường đã tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời mời Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc, cùng rà soát trên cơ sở dữ liệu mới thấy tình trạng trùng lắp.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Dương đã dừng việc này và tiến hành rà soát lại nhưng đã có 1.990 người nhận với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.

Các trường hợp này phần lớn đã hoàn trả lại vì tự nhận thấy mình nhận không đúng. Đến nay, công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đồng cũng đã thu hồi đầy đủ.

Các chính sách đang đi đúng hướng, phát huy tác dụng

Về kết quả sau 4 tháng triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng cho biết: Trong quá trình thực hiện, tuy còn điều này, điều kia nhưng cơ bản các chính sách đều đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở, được dư luận xã hội cũng như người thụ hưởng đồng ý.

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng này cũng còn rất ngắn so với chính sách bởi vì trong các chính sách này phần đa (khoảng 50%) là chính sách có tính chất hỗ trợ tức thì còn lại khoảng 50% các chính sách cho phép kéo dài hơn. Ví dụ như chính sách vay trả lương để phục hồi sản xuất cho phép kéo dài hết 31/3/2022, chính sách để hỗ trợ đào tạo lại cho lực lượng lao động sau giãn cách thì cho phép kéo dài làm thủ tục hết tháng 6/2022.

Còn những chính sách cụ thể thì có hiệu quả ngay như chính sách hỗ trợ bằng Nghị quyết 116 quy mô 38 nghìn tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm và đang bảo lưu chính sách bảo hiểm xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ trong 5 ngày thôi chúng ta đã rà soát và giải quyết hỗ trợ cho 363 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu 15/11 này giải quyết căn bản số hỗ trợ này. Bộ trưởng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng và bước đầu cho thấy phát huy tác dụng.

Hơn 2500 trẻ em mồ côi vì đại dịch COVID-19

Về vấn đề chăm sóc trẻ em mồ côi do bố, mẹ mất vì dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trên thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Việt Nam có hơn 2.500 em rơi vào tình cảnh này.

Về chế độ bảo trợ đối với trẻ em, chúng ta đã có quy định về chính sách đối với trẻ em trong các làng SOS. Đối với trẻ mồ côi vì COVID-19, Bộ đã tham khảo mức hỗ trợ chung chăm sóc trẻ em mồ côi của các nước để xây dựng mức hỗ trợ. Theo đó, tại Việt Nam, những trẻ mồ côi có người thân chăm sóc thì mức hỗ trợ cũng đạt 1,8 triệu đồng.

Ngoài ra, trong đợt dịch lần này, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung tay để lo cho trẻ em. Phương châm của Bộ LĐTBXH là vận động để các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu,… Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Cần sớm có chính sách quy mô lớn hơn để giải quyết vấn đề lao động, an sinh

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua các vị đại biểu và cử tri cả nước đã gửi nhiều chất vấn, yêu cầu. Trong thẩm quyền của mình, chúng tôi đã trả lời, giải đáp và cố gắng ở mức cao nhất để tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc, từng bước nâng cao chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực xã hội.

Với chức năng, đối tượng phục vụ rộng lớn, có tác động đến đời sống xã hội, trong đó nhiều lĩnh vực, công việc của Bộ được chủ động trong tổ chức thực hiện nhưng có nhiều công việc mang tính chất phối hợp phụ thuộc kết quả triển khai của các địa phương, các bộ, ngành.

Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động sâu sắc tới y tế, sức khỏe của người dân mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, việc làm, khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập.

Đối với nước ta, do tác động của đại dịch, nhất là từ khi đợt thứ 4 bùng phát tới nay đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế – xã hội, đời sống của hàng triệu người lao động và người dân, nhất là khi dịch xâm nhập vào TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp nơi sử dụng đồng lao động.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội của Trung ương và các địa phương ban hành và đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng cộng đồng đang lan tỏa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh an, dân và xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi sớm có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về các vấn đề xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19,… Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo đó, Quốc hội chất vấn các nội dung: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả;

Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch;

Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt;

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch;

Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc;

Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.

Theo chương trình, trong quá trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan./.

Hồng Đăng

Bài mới
Đọc nhiều