Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giao người nghiện cho ngành LĐ-TB-XH là ‘quá tải, quá sức’
“Các địa phương không nên vì trong sạch địa bàn mà đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy. Nếu không, các cơ sở cai nghiện ma túy khó có thể trụ vững trong hoàn cảnh hiện nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
“Tôi cũng không muốn đưa trẻ 12 – 18 tuổi vào luật Xử lý vi phạm hành chính”
Sáng 10.6, phát biểu ý kiến khi thảo luận tại tổ về luật Xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi) liên quan đến xử lý hành chính với người 12 – 18 tuổi nghiện ma túy, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đây là vấn đề mà ông “cũng đắm đuối nhiều lắm” và thời gian qua, ông “đã đi hầu hết các cơ sở cai nghiện ma túy”.
Theo Bộ trưởng, hiện chúng ta đang cai nghiện được khoảng gần 40.000 trong số 248.000 người nghiện có hồ sơ. Điều đáng nói là con số người nghiện thực tế còn cao hơn nhiều con số được thống kê.
“Tôi rất tiếc. Lẽ ra, chúng ta bàn luật Xử lý vi phạm hành chính này đồng bộ với luật Phòng chống ma túy. Tôi thì tôi cũng không muốn đưa trẻ 12 – 18 tuổi vào luật Xử lý vi phạm hành chính này đâu, mà để vào luật Phòng chống ma túy thì tính nhân đạo cao hơn, tính giáo dục, răn đe cao hơn. Còn khi đưa sang xử phạt vi phạm hành chính thì có gì đó không nhân văn lắm đâu, tôi nói thẳng, vì nặng về xử phạt. Trong Chính phủ, tôi cũng đề xuất là 2 luật này ta nên sửa đồng thời, thậm chí cả luật Phòng chống HIV-AIDS. Nhưng rất tiếc, ta không làm được và cắt khúc thế này”, ông Dung nói.
Theo Bộ trưởng Dung, tình trạng vi phạm pháp luật do nghiện ngập ngày càng gia tăng, là nguy cơ mất an toàn ở nhiều địa bàn. Người sử dụng ma túy hiện nay đã chuyển từ ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp rất nhiều. Tình trạng ngáo đá, mất kiểm soát, hướng thần, ảo thanh, ảo giác… hầu hết đều là từ ma túy tổng hợp.
“Các chất gây nghiện hiện nay rất nặng, chủ yếu từ bên kia biên giới sang. Khi đã “bập” vào cái này, khả năng kiểm soát của con người hầu như không có. Đối tượng sử dụng ma túy cũng rất đa dạng, mà xu hướng lại trẻ dần ra. Bây giờ, cái đáng ngại nhất chính là lứa tuổi 12 – 18, tôi quan sát thấy vấn đề này”, Bộ trưởng Dung cho biết thêm.
Do đó, ông Dung cho rằng, với nhóm người từ 12 – 18 tuổi nghiện ma túy, chắc chắn phải có biện pháp quản lý và nên theo quy định tại dự thảo luật. Với nhóm chưa sử dụng ma túy đá thì tiếp tục thực hiện cai nghiện tại cộng đồng và gia đình. Nhóm không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định thì phải đưa vào cơ sở giáo dưỡng, bởi “để các em vật vã, vơ vẩn ngoài xã hội thì rất khổ cho các em, khổ cho cả xã hội”.
Cũng theo ông Dung, “một số nước bên cạnh chúng ta họ cột trách nhiệm gia đình rất lớn, chứ không đổ cho xã hội được đâu”.
“Cách này có tác dụng rất lớn. Tôi minh chứng một trường hợp thế này. Một cậu thanh niên ở Hưng Yên, rất có ý chí trong cai nghiện, thậm chí còn tự xích mình vào chân giường. Nhưng cứ ở làng thì yên tâm, rời làng, chỉ cần trên xe bus gặp người tương tự là “phát sóng ngắn” với nhau ngay. Lại tái nghiện. Về lại xích chân”, Bộ trưởng Dung nói.
“Giao toàn bộ cho ngành lao động – thương binh – xã hội như hiện nay không ổn”
Dù đã đưa người nghiện ma túy lứa tuổi 12 – 18 vào luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn cho biết, các trường hợp có nơi cư trú ổn định và chưa nghiện năng thì vẫn tiếp tục cai nghiện cộng đồng, bởi “không có cơ sở nào có thể tập trung hết”.
“Hơn 100 cơ sở cai nghiện của chúng ta hiện nay đều quá tải. 90% các cơ sở là các cháu đang sử dụng loại liều lượng cao, đặc biệt các tỉnh miền Tây Nam bộ, trên 90% là ma túy đá. 35 – 45% số đang cai nghiện là có tiền án, tiền sự. Những ông giám đốc (trung tâm cai nghiện – phóng viên) của chúng tôi nói, đêm phải canh cho người cai thức, ngày phải canh cho họ ngủ. Đã làm giám đốc ở đây lúc nào cũng nơm nớp sẵn sàng mất chức. Nó là sự thật, khó khăn như thế đấy”, ông Dung kể.
Theo ông Dung, quản lý 1 người nghiện đã khó rồi, quản lý 20 – 30 người là cực kỳ khó, vì người nghiện “kiếm đủ chuyện để gây sự”. Tất cả người quản lý trong cơ sở cai nghiện lại không được sử dụng công cụ hỗ trợ, chỉ bằng vận động thuyết phục.
“Luật Phòng chống ma túy đưa người nghiện ma túy thành người bệnh, chúng ta tiếp cận theo cách nhân văn, theo tiêu chuẩn quốc tế. Do coi là người bệnh, nên giao cho ngành lao động – thương binh – xã hội, nhưng tôi nói thật là quá tải và quá sức. Kinh nghiệm cho thấy, tất cả các cơ sở cai nghiện, nếu phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng (ví dụ công an) mới ổn được. Còn giao toàn bộ cho ngành lao động – thương binh – xã hội như hiện nay không ổn”, Bộ trưởng Dung nói.
Ông Dung nhắc lại một lần nữa việc hiện tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy đều quá tải, đồng thời đề nghị các địa phương “không nên vì trong sạch chỗ này, tìm cách “đánh” mạnh để (người nghiện) chạy chỗ khác, vì trong sạch bên ngoài mà đưa hết vào cơ sở cai nghiện ma túy”.
“Phải thống nhất quan điểm như vậy. Nếu không, các cơ sở cai nghiện ma túy khó có thể trụ vững trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Dung nói thêm.
Theo dự thảo luật, vấn đề người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện nay đang bị bỏ ngỏ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự xã hội, nên dự thảo đã đề xuất biện pháp:
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy, thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định (trong đó có điều kiện đã đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng) thì có thể xem xét áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình.
Trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Đối với từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; nếu có nơi cư trú ổn định và đáp ứng một số các điều kiện theo quy định thì có thể xem xét áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng.
Vũ Hân/TN