+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tỉ lệ thuế phí trong giá vé máy bay được mấy xu”

Hạnh Văn - 24/05/2024 08:02

Sáng 23/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về vấn đề giá vé máy bay tăng thời gian qua, có những chặng lên đến 20%. Theo Bộ trưởng, “thuế phí trong gái vé máy bay được mấy xu, nhiều là bao nhiêu”.

Hành khách đi lại máy bay dịp lễ tăng cao, hàng không vẫn khó giảm giá vé.

Thời gian qua, giá vé máy bay đã tăng 15-20% tùy chặng, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trần theo quy định. Một trong số lý do khiến giá vé nội địa tăng cao là thị trường hàng không thiếu máy bay làm giảm năng lực cung ứng và tỷ lệ thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé.

Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo khảo sát, thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua.

Trong đó, các hãng thu hộ ngân sách nhà nước thuế VAT, đây là khoản Bộ Tài chính quản lý.

Còn lại các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành tại hơn 20 sân bay trên cả nước.

Trong đó, phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm VAT) mỗi hành khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em.

Trong cơ cấu vé máy bay, các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước thuế VAT, khoảng 8-10%. Còn các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước.

“Thuế, phí trong giá vé máy bay được mấy xu, nhiều là bao nhiêu. Chúng ta cần hiểu các loại phí mọi người nói chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay… do ngành giao thông quản lý”, ông nói.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận tổ.

Thông tin thêm, ông Phớc cho hay các khoản thuế, phí thuộc ngân sách hiện nay được nhiều nước tăng thu, do muốn tăng nguồn lực công thông qua tăng thuế suất.

Trong thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội có nhiều góp ý về tình trạng giá vé máy bay neo cao, lo ngại về tác động đối với phục hồi kinh tế. Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng Nhà nước cần làm rõ nguyên nhân khiến giá vé tăng cao và giải pháp để bình ổn. Theo ông, giá vé máy bay tăng cao sẽ khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, tác động đến ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Đại biểu dẫn chứng, có những đường bay có độ dài tương đương nhưng giá vé ở Thái Lan lại thấp hơn Việt Nam. Đơn cử như chặng Bangkok – Phuket khoảng 869 km, vé của hãng Air Asia là 768.000 đồng, Thai JetAir 796.000 đồng, Thai Airways là 1,16 triệu đồng.

Trong khi đó, chặng Hà Nội – Đà Nặng là 757 km, giá vé của VietJet lên đến 1,12 triệu đồng, còn của Vietnam Airlines là 1,58 triệu đồng. Đại biểu kết luận, “Giá vé của chúng ta rất cao so với Thái Lan”.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, giá vé máy bay từ Nội Bài – TP Hồ Chí Minh và ngược lại hiện tăng quá cao. “Người dân muốn bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhiều khi phải bay qua Thái Lan rồi mới bay về Hà Nội, vì rẻ hơn” – đại biểu Thanh cho biết.

Theo vị này, cần phải có chính sách cụ thể để giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay có tính chất ổn định, như vậy ngành Du lịch mới giữ được khách.

Theo bà Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do thiếu tính cạnh tranh; chi phí bảo trì bảo dưỡng ở nước ngoài cao, khi phần lớn máy bay của Việt Nam phải ra nước ngoài bảo trì, bảo dưỡng.

Cùng với đó là thiếu sự kết nối giữa hàng không và du lịch, đa phần mạnh ai nấy làm, chưa có cách thức chia sẻ. “Vì vậy, giá vé máy bay cao, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế – xã hội các địa phương” – đại biểu Thanh nói.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh.

Trước đó, vào cuối tháng 3, ngành hàng không từng lâm vào cảnh thiếu máy bay do bảo dưỡng. Khi đó, Vietnam Airlines có đến 12 máy bay thuộc diện tạm dừng khai thác và rất nhiều thiết bị khác của máy bay phải đưa vào bảo dưỡng, kể cả động cơ máy bay Airbus A350. Vietjet cũng phải tạm ngưng 8 máy bay, sắp tới sẽ tăng thêm số lượng ngay trong dịp cao điểm hè.

Bamboo Airways còn từ mức đỉnh khai thác 30 tàu bay khi đó cũng chỉ còn lại 8 tàu. Tình trạng này khiến hãng khó tính đến chuyện tăng thêm máy bay khai thác trong lịch bay hè.

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, thiếu hụt máy bay do phải kiểm tra, bảo dưỡng gây thách thức rất lớn cho các hãng hàng không. Do đứt gãy chuỗi cung ứng, trước đây thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100-120 ngày nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày.

Để gia tăng tần suất buộc doanh nghiệp phải tăng quản trị duy trì được tải cung ứng, phục vụ thị trường, nghĩa là phải tăng năng suất của máy bay, phải tập trung khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.

Các hãng hàng không có thể sử dụng dữ liệu này để dự báo trước và sớm các giai đoạn và thời kỳ phải đưa máy bay vào bảo dưỡng. Khi dự báo trước các tình huống này sẽ hiệu quả hơn trong thực hiện bảo dưỡng và bảo đảm đội máy bay hoạt động trong tương lai dài hạn.

Còn theo tổng giám đốc một hãng bay, giá vé bay cao do đặc thù của hàng không là nhiều giao dịch với các hãng nước ngoài, từ bảo trì dịch vụ, mua sắm tàu bay, thuê tài sản, thuê phi công… đều chi trả bằng USD.

“Ngay cả một ốc vít máy bay bị hư, giá trị mua tới vài trăm đến cả ngàn USD. Khi tỉ giá USD tăng, chi phí đầu vào cũng tăng theo, giá vé máy bay cũng bị đẩy lên”, vị này nói.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa – chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cứ 1% biến động tỉ giá, hãng này mất đi 300 tỉ đồng. Trong năm 2023, chỉ riêng biến động tỉ giá, hãng này đã lỗ tới 903 tỉ đồng. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng ảnh hưởng chi phí đầu vào của các hãng bay.

Chẳng hạn, vào thời điểm trước dịch, giá dầu 79USD/thùng nhưng nay xu hướng tăng, dao động 86 USD/thùng. Chi phí đầu vào tăng mạnh buộc hãng bay điều chỉnh giá vé nhưng vẫn nằm trong khung giá trần Nhà nước quy định. “Tuy nhiên, giá vé của ngày lễ 30-4 và cao điểm hè giá sẽ khác so với giá mùa thấp điểm”, vị này nói.

Do đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng Nhà nước nên có gói hỗ trợ cho hàng không để có chương trình giảm giá, hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay. Ngành du lịch cũng cần hợp tác chặt chẽ với hàng không để cho ra các sản phẩm khuyến mãi nhằm giảm giá vé. Trong dài hạn, cả nước cần phát triển các trung tâm bảo dưỡng máy bay để giảm các chi phí dịch vụ liên quan.

Cần phải nghĩ sâu xa hơn là đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam, ngành du lịch, hàng không phải có hợp tác. Chúng ta chỉ nghĩ hàng không tăng vé có lợi cho hàng không nhưng không nghĩ đến làm hại lĩnh vực khác.

Như vậy nhà hàng, khách sạn… hàng không mà hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo ra combo du lịch để hạ giá vé máy bay, làm tốt cho du lịch, phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều