Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Tôi mong muốn cải thiện lương và đời sống người giáo viên’
Chia sẻ với PV, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói “Tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng”
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ rằng ông xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài.
Đối với tân Bộ trưởng, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn một triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó.
Nhiều người kỳ vọng giáo dục sẽ có đà phát triển sau nhiều năm va đập, chuyển đổi. Ông nêu quan điểm về nền giáo dục hiện tại đã và dang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ, giáo dục luôn là vấn đề được ưu tiên, là một trong những hướng đột phá nằm trong các trụ cột chiến lược. Đây là điểm tựa quan trọng, giúp việc đề xuất về các chính sách, khuyến nghị từ ngành được quan tâm. Giáo dục cũng đang được đặt trên một hạ tầng cao hơn hẳn sau hơn 30 năm đổi mới. Điều kiện học tập đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Việt Nam là quốc gia có truyền thống hiếu học, quan tâm giáo dục từ các gia đình đến các dòng họ, trong các chi tiêu riêng luôn sẵn sàng dành cho giáo dục. Đó là thuận lợi quan trọng để có thể huy động các nguồn lực cho giáo dục.
Chia sẻ thêm với PV, ông nhận định rằng nhiệm kỳ lần này là thách thức lớn. Vì trong thời gian vừa qua, giáo dục đã có sứ chuyển đổi tích cực, tuy nhiên, trong quá trình đổi mới phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết.
Hiện tại, người dân đang rất trông chờ và kỳ vọng vào một nền giáo dục phát triển hơn. Tuy nhiên theo tân Bộ trưởng, thuộc tính của giáo dục là không thể thay đổi quá nhanh, hoạt động giáo dục là từng bước.
Khi được hỏi về giải pháp, tân Bộ trưởng nêu quan điểm cần giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách và phải làm quyết liệt. Nhưng quan trọng nhất là tập trung kiến tạo những việc lớn, có thể tác động lâu dài. Muốn vậy, ngành giáo dục cần làm sao có sự chia sẻ, hiểu và đồng thuận lớn từ xã hội, để người dân cùng chung tay với ngành.
Hoạt động hơn 30 năm trong ngành, từ giảng viên tới lãnh đạo ĐH QGHN đã mang lại cho ông rất nhiều kinh nghiệm chắc chắn giúp ích không nhỏ cho quá trình đảm nhiệm trọng trách mới. Ông cũng hiểu rõ được những tâm tư, khó khăn của những người thầy, người cô. Ông mong muốn đời sống, thu nhập của giáo viên được nâng cao tương ứng với thời đại. Điều quan trọng nữa mà ông chia sẻ là nâng cao vị thế của người giáo viên trong xã hội, trong nhà trường. Bởi hiện nay trong xã hội, nhà giáo luôn được xem là thế yếu, ai cũng có thể bắt bẻ, kêu ca, trong khi bênh vực họ lại rất hạn chế. Các thầy cô cần thể hiện vai trò của mình mạnh hơn nữa. Khi đó tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng.
Ngày 8/4, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, làm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Vị trí này được xem là “nóng” nhất trong Chính phủ nhiều nhiệm kỳ gần đây bởi ngành này có số cán bộ, viên chức đông nhất với khoảng 1,5 triệu, tác động trực tiếp đến hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Giáo dục cũng là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình nên kỳ vọng và áp lực đặt lên vai tư lệnh ngành rất lớn.
Tiếp nhận vị trí mới, tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Sơn Ca