Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Bộ Thông tin và truyền thông vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép…
Bộ quy tắc đưa ra quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm; tổ chức, cá nhân; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; các cơ quan nhà nước; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm
Các quy tắc ứng xử chung được đưa ra như tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm.
Cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…
Cơ quan nhà nước được khuyến khích nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.
Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thúc đẩy các hội nghề nghiệp ban hành bộ quy tắc riêng
Đánh giá về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử này, TS Phạm Hải Chung (giảng viên Viện đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng nó mang lại nhiều ý nghĩa và đáng ra nên ban hành sớm hơn.
Bộ quy tắc giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc họ nên ứng xử như thế nào trên môi trường Internet để có sự thấu cảm, tôn trọng nhau, là một công dân số có trách nhiệm.
Nhưng bà Chung cho rằng để bộ quy tắc ứng xử đem lại hiệu quả thực tế còn cần nhiều thứ khác như phải có hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành, các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình và rất cần có sự tham gia của giáo dục để nâng cao năng lực số cho người dân.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự) nói hiện tượng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tiêu cực như vu khống, bôi nhọ cá nhân hay kích động ứng xử xấu không hề mới nhưng lại là vấn đề mà cả chính quyền lẫn người dân đều chưa có kinh nghiệm như tương tác trên môi trường thực, nên rất cần coi trọng giáo dục, hướng dẫn hơn là sử dụng công cụ pháp luật thái quá.
Vì vậy, việc Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là đáng hoan nghênh về thái độ và tinh thần trách nhiệm từ góc độ quản lý nhà nước, dù nó còn mang tính khuyến nghị và chưa thật sự phù hợp với chức năng và thẩm quyền của bộ này.
Từng tham gia góp ý kiến cho Bộ Thông tin và truyền thông trong quá trình xây dựng bộ quy tắc này, ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – cũng rất hoan nghênh nỗ lực đưa ra bộ quy tắc này.
Tuy vậy, ông Đồng nhấn mạnh bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, giúp điều chỉnh hành vi của công dân để tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng nó sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội. Để phát huy hiệu quả tốt hơn của bộ quy tắc Bộ Thông tin và truyền thông cần thúc đẩy các hội nghề nghiệp sử dụng bộ quy tắc chung này như những gợi ý mang tính nguyên tắc để xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chi tiết cho từng hội của mình.
* Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM):
Sẽ xây dựng bộ quy tắc của giới văn hóa nghệ thuật
Sở VH-TT và Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cũng đã bàn với nhau để nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung trên không gian mạng của giới văn hóa nghệ thuật. Đó sẽ là những cơ chế phối hợp để quản lý một cách tốt hơn về hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng. Điều này luật định cũng chưa cụ thể nhưng với môi trường quá đa dạng và phong phú như TP.HCM thì cơ chế phối hợp giữa hai ngành đã được bàn rồi, đã được nói với nhau về mặt chủ trương.
Tuy nhiên, để có thể đi tiếp, cả hai bên đang tích cực nghiên cứu để cố gắng xây dựng sớm nhất một bộ quy tắc ứng xử chung trên không gian mạng.
* Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (giám đốc marketing, trình duyệt Cốc Cốc):
Kỳ vọng môi trường mạng lành mạnh hơn cho trẻ
Bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp tạo ra một môi trường mạng lành mạnh hơn, đặc biệt là cho trẻ em – đối tượng cần bảo vệ nhất nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng nhất. Theo quan điểm cá nhân, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để có hệ quy chiếu cho những phát ngôn trên mạng.
Bên cạnh đó, bộ quy tắc ứng xử trên mạng cũng cần đảm bảo không vi phạm quyền tự do ngôn luận theo quy định của pháp luật.
Thiên Điểu