+
Aa
-
like
comment

Các nhà ‘dân chủ’ vốn ‘có tật giật mình’ đã nói gì về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?

Bảo An - 29/06/2021 16:58

Ngày 17/6 vừa qua, Bộ Thông tin và truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Xung quanh vấn đề này, một số đối tượng núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” đã tung ra các thông tin trái chiều, vu khống chính quyền ngăn chặn tự do ngôn luận.

Luận điệu xuyên tạc đang được các đối tượng rêu rao để hù doạ người dân.
Luận điệu xuyên tạc đang được các đối tượng rêu rao để hù doạ người dân.

Trong những năm gần đây, internet tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, các mạng xã hội đã có những tiến bộ thần tốc. Với đặc điểm dễ dàng kết nối, lan truyền, chia sẻ thông tin, các trang mạng xã hội đã được mọi tầng lớp trong xã hội sử dụng. Theo số liệu thống kê trong báo cáo Digital 2020 của We are Social, Việt Nam có số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67%).

Bên cạnh những mặt tích cực trong việc chia sẻ thông tin, thúc đẩy sự minh bạch của đời sống xã hội, trở thành một phương thức để thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội, mạng xã hội cũng đã cho thấy không ít mặt tiêu cực. Để hạn chế tối đa những vấn đề tiêu cực do mạng xã hội mang lại và đồng thời thúc đẩy các mặt tích cực của nó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Mục đích khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử này là để tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Vậy nhưng “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”. Ngay sau khi Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành, nhiều đối tượng “dân chủ” cũng như một số báo đài nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm, phiến diện, sai lệch với Việt Nam đã đăng đàn rêu rao những luận điệu thiếu khách quan, đi ngược lại thực tế. Các đối tượng này hù doạ người dân rằng “tuy được mô tả là để ‘đảm bảo quyền tự do cá nhân’, nhưng trong Bộ Quy tắc này có một vài quy định gây quan ngại cho những người hoạt động cổ súy cho tự do và nhân quyền”, “Bộ Quy tắc này biến công chức nhà nước trở thành những kẻ chỉ điểm trên không gian mạng”, “các công ty sẽ trở thành công cụ kiểm duyệt cho nhà nước”…

Đúng là “có tật thì giật mình”. Lý do cũ rích để các “nhà bình loạn”, “nhà đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền” tiến hành “tổng tấn công” Bộ Quy tắc vẫn là vu khống rằng nó sẽ “gây mất tự do ngôn luận”.

Nhìn lại trước đó, vào năm 2018, các đối tượng “dân chủ” cùng một số người dùng mạng xã hội, thậm chí là một số “nghệ sĩ” thiếu hiểu biết, chỉ có cái nhìn phiến diện, một chiều cũng từng nhao nhao đòi tấn công Luật An ninh mạng, hù doạ người dân về việc sẽ bị “bịt miệng” trên không gian mạng, cho rằng sẽ bị kiểm soát thông tin, “không thể có tự do ngôn luận khi môi trường mạng bị điều chỉnh bởi pháp luật”. Ấy thế nhưng, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Các quy định liên quan đến an ninh mạng được đưa ra không những không gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân mà nó đã góp phần bảo vệ sự an toàn của mỗi người dân trên mạng xã hội. Nhiều người trước đó từng lên tiếng kêu gọi tẩy chay kịch liệt Luật An ninh mạng nhưng sau khi bị phát tán “ảnh nóng”, bị bôi nhọ, nói xấu trên mạng xã hội, bị tấn công mạng… đã ngay lập tức cầu cứu các cơ quan chức năng, đòi xử lý theo Luật An ninh mạng.

Cũng tương tự như Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải là “công cụ để Nhà nước ngăn cản tự do ngôn luận” như những gì các đối tượng xấu cố tình đưa ra. Chắc chắn, nếu ai xử dụng mạng xã hội văn minh, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì. Chỉ có những kẻ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mới lo lắng, sợ hãi khi hành lang pháp lý điều chỉnh thế giới mạng ngày càng được hoàn thiện chặt chẽ. Và cũng nói thẳng, trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã lợi dụng mạng xã hội để rêu rao, lan truyền các luận điệu “chiến tranh tâm lý”, hiện thực hoá chiến lược “diễn biến hoà bình”, kích động người dân chống đối với chính quyền. Vậy nhưng với việc siết chặt quy định của pháp luật trên không gian mạng, chắc chắn những hành vi vi phạm này sẽ bị nghiêm trị.

Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng những hệ quả mà nó gây ra lại tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Vì vậy, không thể có một thứ “tự do” thô thiển, vô pháp luật xuất hiện trên mạng xã hội. Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nói riêng và việc hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng nói chung là yêu cầu cấp thiết hiện nay để xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều