+
Aa
-
like
comment

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ xóa đi sự “ô nhiễm” đang tràn lan

Đỗ Mạnh - 28/06/2021 15:19

Từ ngày xuất hiện mạng xã hội, người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ đã có một môi trường tốt để giao tiếp, trao đổi và học hỏi. Công bằng mà nói, mạng xã hội đã giúp con người thân thiện với nhau hơn, khoảng cách giữa mọi người và giữa các quốc gia trên thế giới nhờ đó trở nên ngắn lại. Nhưng mặt khác, “thế giới ảo” cũng đang ẩn chứa những vấn đề đáng lo ngại, nếu không nói là tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Một điều không thể phủ nhận là không gian mạng đã tạo nện một xã hội thu nhỏ mà ở đó con người là chủ thể. Một người tham gia các mạng xã hội hàng ngày đều có thể kết bạn, chào nhau hay trao đổi những vấn đề cùng nhiều người khác cùng sở thích. Người ta còn có thể lập “chợ ảo” để trao đổi, mua bán hàng hóa. Mạng xã hội còn là nơi để xem phim, nghe nhạc, đọc chuyện và giao lưu tình cảm trên mạng…

Nói như thế để mọi người hiểu rằng hiện nay, mỗi người chúng ta đang cùng lúc tham gia vào “2 cuộc sống”, một là cuộc sống trên đời thật, một là cuộc sống trên mạng ảo. Vì vậy, để “cuộc sống thứ 2” tồn tại một cách có ích, giúp con người cải thiện cuộc sống và làm cho cuộc sống ngày một ý nghĩa hơn thì mỗi một quốc gia, mỗi một trang mạng cần phải có những quy định để quản lý những hành vi ứng xử của từng thành viên, làm cho mạng xã hội trở nên văn minh lịch sự hơn. Các quốc gia trên thế giới đều có những quy định riêng để quản lý mạng xã hội ảo và Việt Nam chắc cũng không phải là một ngoại lệ.

Như các bạn đã biết, thời gian gần đây một số các cá nhân, một số văn nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia mạng đã có những phát ngôn thiếu văn hóa, không lịch sự, làm “ô nhiễm” môi trường mạng. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại, bởi những thành viên tham gia tích cực nhất trong mạng xã hội là giới trẻ, những lớp người chập chững bước vào đời thích học hỏi và khám phá những điều mới lạ. Họ sẽ học theo tấm gương của những người nổi tiếng, những người đã thành danh trong cuộc sống, những doanh nhân giỏi, những nhà kinh tế thành đạt. Mọi lời nói, hành động của những người được họ hâm mộ có một sự lan tỏa rất lớn trong giới trẻ và là hình mẫu để họ học theo. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những phát ngôn thiếu chừng mực, thiếu văn hóa của một số người nổi tiếng. Các phát ngôn đó đã làm “ô nhiễm” môi trường mạng, đầu độc giới trẻ và cổ xúy cho những hành động thiếu văn hóa của giới trẻ. Nhiều người tham gia mạng xã hội để chửi bới nhau, khoe những hình ảnh kém văn hóa, làm cho môi trường mạng ngày càng trở nên thiếu lành mạnh.

Ai cũng biết mạng xã hội không giới hạn người tham gia, thậm chí càng nhiều người tham gia càng tốt. Nhưng mạng xã hội tự do nhưng có nghĩa ai muốn nói gì thì nói, đưa lên đó cái gì thì đưa vì mạng cũng là hơi thở và cuộc sống của con người. Tuy nhiên, do có một số quy định còn lỏng lẻo nên người tham gia các mạng xã hội không cần phải khai báo nhân thân, không phải đính kèm ảnh cụ thể nên rất nhiều người núp bóng một người khác để nói những điều vượt tầm kiểm soát của các mạng và cơ quan quản lý nhà nước. Có những trường hợp văng tục, chửi bới, thóa mạ, nói xấu người khác. Ngoài ra còn có những hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin chống phá Nhà nước, chống đối chủ trương, đường lối của Chính phủ. Dù các quy định cụ thể đã được ban hành nhưng nhiều người vẫn chưa thấy sợ, hoặc chưa hiểu nên vẫn có những phát ngôn, việc làm không tuân theo quy định của luật pháp.

Vụ việc NSƯT, Thạc sĩ Trần Đức Hải bị trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn đã kí Quyết định số 60-21/QĐ-CĐSG về việc miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng là một thí dụ điển hình. Nguyên nhân miễn nhiệm được biết là nghệ sỹ Đức Hải đã có những phát ngôn trên mạng xã hội không đúng với cương vị của mình, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Dư luận xã hội cho rằng việc xử lý ngay lập tức và kịp thời của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn là rất kịp thời và mang tính răn đe cao.

Vụ việc NSƯT, Thạc sĩ Trần Đức Hải bị miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng là một thí dụ điển hình.
Vụ việc NSƯT, Thạc sĩ Trần Đức Hải bị miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng là một thí dụ điển hình.

Để kịp thời ngăn chặn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc được ban hành nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Dư luận rất đồng tình và hoan nghênh Quyết định này của Bộ TTTT và cho rằng dù dù chậm nhưng đây là cơ sở pháp lý nhằm định hướng cho cộng đồng mạng hiểu được trách nhiệm của bản thân mỗi người khi tham gia và phát ngôn trên mạng.

Được biết, Bộ Quy tắc ứng xử cũng đã có những quy định rất cụ thể nhằm hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. Việc quy định sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội là các biện pháp tự bảo vệ mình của những người tham gia mạng xã hội. Đồng thời, đây cũng là quy định giúp các nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bộ Quy tắc ứng xử cũng khuyến khích cộng đồng mạng chia sẻ những thông tin chính thống, đáng tin cậy, có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Điều đặc biệt là Bộ Quy tắc khuyến cáo cho cộng đồng mạng không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Chúng ta có quyền tin rằng trên cơ sở những quy định của luật pháp, thì những phát ngôn phản cảm trên mạng sẽ được giảm bớt và đi đến chấm dứt, những lời thóa mạ cá nhân, nói xấu nhau sẽ giảm và những bài viết chống đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ được ngăn chặn một cách triệt để.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều