+
Aa
-
like
comment

Bỏ quy định phải có bình cứu hỏa trên ô tô con

27/11/2020 19:53

Sau 4 năm thực hiện, quy định gây tranh cãi phải trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi đã được loại bỏ và thể hiện trong Nghị định số 136/2020 của Chính phủ vừa ban hành.

Việc loại bỏ này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/1/2021.

Nghị định 136/CP-NĐ/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về các Luật Phòng cháy và chữa cháy ban hành ngày 24/11 đã không còn quy định bắt buộc tất cả các loại xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện chữa cháy.

Thay vào đó, quy định cứng này chỉ còn áp dụng cho các loại ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên.

Bỏ quy định phải có bình cứu hỏa trên ô tô con

Trước đó, năm 2015, theo Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an, kể từ ngày 6/1/2016, các loại ô tô từ 4-9 chỗ ngồi phải trang bị 1 bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg. Nếu vi phạm, các chủ xe có thể bị phạt từ 300.000500.000 đồng. Khi đó, Bộ Công an cho rằng, việc bắt buộc trang bị như vậy là nhằm nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy cho người dân, giảm bớt các thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn.

Ngay khi ban hành, quy định này đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Nhiều chủ xe đã lo lắng về tính an toàn, tác dụng ngược của việc đặt bình chữa cháy trong xe ô tô 24/24.

Đề xuất loại bỏ quy định trang bị bình cứu hỏa trên cũng đã được Bộ Công an đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn về các trang bị phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện giao thông cơ giới công bố hồi tháng 4 năm nay.

Quy định gây nhiều tranh cãi, lợi bất cập hại

Là doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại hình vận tải, trong đó nhiều đầu xe dưới 9 chỗ ngồi, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Đất Cảng chia sẻ: Khi Thông tư số 57/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị thiết bị PCCC cho xe ô tô chính thức có hiệu lực, doanh nghiệp bắt buộc phải mua trang bị trên xe taxi nhưng chỉ để… cho có, rất lãng phí.

“Thực tế, nếu xảy ra cháy trên xe, theo quán tính ai cũng tìm đường thoát thân, chạy nhanh ra ngoài để bảo toàn tính mạng, không kịp sử dụng đến bình chữa cháy. Hơn nữa, ô tô con có khoang xe nhỏ, không thiết kế chỗ để bình chữa cháy, vậy biết đặt bình ở đâu để thuận tay, dễ thấy, dễ lấy. Mà khi ô tô cháy thì dùng bình chữa cháy mini ăn thua gì?”, ông Hải phân tích.

Trước đó, theo quy định tại Thông tư 57 của Bộ Công an, tất cả các loại xe ô tô đều phải trang bị bình chữa cháy. Trường hợp tài xế không trang bị phương tiện phòng cháy theo quy định sẽ bị phạt 300 – 500 nghìn đồng. Quy định này lập tức gây tranh cãi suốt từ khi ban hành (năm 2015) đến nay, nhất là tính ứng dụng của các trang bị PCCC không cao và còn tạo ra nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn cho người sử dụng phương tiện.

Đa số chủ sở hữu xe cho rằng, không thể đặt được một bình cứu hỏa dù là mini trong xe con ở vị trí thuận tay, dễ thấy. Nếu điểm đặt bình cứu hỏa không hợp lý có thể ảnh hưởng đến việc điều khiển chân ga, phanh và gây thương tích cho người ngồi trên xe khi chạy ở địa hình xấu, gồ ghề.

Hơn nữa, việc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô cá nhân là “lợi bất cập hại”. Chẳng hạn, với điều kiện thời tiết mùa hè tại Việt Nam, những xe ô tô cá nhân để ngoài trời nắng khiến nhiệt độ trong xe tăng cao, khi đó những chiếc bình chữa cháy để bên trong chẳng khác gì “bom nổ chậm”. Thực tế, cũng đã ghi nhận ở thời điểm ngay sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, một số xe ô tô đặt bình chữa cháy trong xe và chính những chiếc bình này đã phát nổ, gây hư hỏng cho xe.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, lúc xe chạy, do mở điều hòa hoặc khí trời nên nhiệt độ trong xe không đến ngưỡng khiến bình chữa cháy phát nổ. Tuy nhiên khi đỗ xe, nhiệt độ bên ngoài chỉ tầm 40 độ C, nhưng do ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ bên trong có thể lên đến 70 độ C. Trong khi, bình chữa cháy nếu để ở nhiệt độ trên 55 độ C đã rất dễ xảy ra cháy nổ. Một số loại bình chữa cháy chứa nhiều chất có thể gây ăn mòn kim loại, có hại cho các vật dụng trong xe.

Quy định bất cập, thực tế cũng không xử phạt được

Tháng 4/2020, Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến về dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn về trang thiết bị PCCC trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo dự thảo, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi thay vì phải có bình chữa cháy thì chỉ cần có hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy. Quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy chỉ áp dụng với xe từ 10 chỗ trở lên.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cho biết: “Sau thời gian nghiên cứu, Cục nhận thấy trong Thông tư 57 quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô dưới 10 chỗ tồn tại nhiều bất cập. Để phù hợp với Nghị định quy định chi tiết về Luật PCCC đang xây dựng, chúng tôi chủ động đề xuất bỏ quy định này trong Thông tư 57”.

Ủng hộ việc bỏ quy định trang bị bình chữa cháy trong xe dưới 10 chỗ ngồi, ông Lê Văn Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Các xe dưới 10 chỗ ngồi chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình, một số sử dụng để vận chuyển hành khách, hầu như không vận chuyển hàng hóa, do đó không cần thiết phải quy định các điều kiện an toàn PCCC đối với loại hình phương tiện này.

Thực tế, trước khi đưa vào hoạt động, các phương tiện này đã được cơ quan đăng kiểm kiểm tra, kiểm định bảo đảm chất lượng”.

Bài mới
Đọc nhiều