+
Aa
-
like
comment

Bộ Quốc phòng tăng cường tàu trực tại các vùng biển trọng điểm trên Biển Đông

16/05/2020 18:25

Biển Đông là nhóm vấn đề được đông đảo cử tri các địa phương gửi kiến nghị nhất, trong đó đề nghị Bộ Quốc phòng nâng cao tiềm lực quốc phòng, xem xét kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tàu Hải Dương địa chất 8 và tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam hồi tháng 7.2019

“Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông”

Gửi kiến nghị đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Bến Tre bày tỏ sự lo lắng về tình hình bất ổn trên Biển Đông, việc Trung Quốc đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Cử tri nhiều thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM cũng đề nghị cần truyền thông trên báo chí nhiều hơn nữa về tình hình Biển Đông để cử tri được rõ.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng cho biết, tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Trung Quốc không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông” bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa.

Cùng với đó, Trung Quốc điều chỉnh sách lược linh hoạt hơn, tăng cường sử dụng đòn bẩy ngoại giao và kinh tế, tác động, lôi kéo các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông; chủ động thể hiện “tích cực” xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN để xoa dịu tình hình, làm giảm can dự của Mỹ và các nước lớn vào vấn đề Biển Đông.

Trên thực địa, Trung Quốc quyết liệt hơn về chính sách cũng như hoạt động, đẩy mạnh thăm dò, khảo sát dầu khí trên Biển Đông, xâm phạm vùng biển các nước, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, từ ngày 4.7 – 24.10.2019, Trung Quốc đã 4 lần đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam, khu vực phía bắc nhà giàn DK1 và 9 lô Trung Quốc mời thầu trái phép năm 2012.

Hành động của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Cùng với hoạt động của Trung Quốc, các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực và sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp thêm.

Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương ven biển để nhận định, đánh giá tình hình Biển Đông; tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo; các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã quán triệt và duy trì nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; bố trí các tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ Quốc phòng tăng cường tàu trực tại các vùng biển trọng điểm trên Biển Đông - ảnh 1
Tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái.

Bên cạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm quy định khi hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an ninh, an toàn các hoạt động kinh tế biển để tổ chức, cá nhân yên tâm bám biển, tham gia phát triển kinh tế biển, góp phần ổn định tình hình trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm

Cử tri TP.HCM kiến nghị kịp thời thông tin đến nhân dân về tình hình biển đảo; tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng nhận định, Biển Đông diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh lại chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982, luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”.

Theo Bộ Quốc phòng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo như hải quân, phòng không – không quân, cảnh sát biển.

Việt Nam đã mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, chủ động nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển.

Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ, xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.

Chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý vào thời điểm phù hợp

Trả lời cử tri TP.Đà Nẵng về việc cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc; xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng cho biết:

Chúng ta thống nhất rằng, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, vì truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, giữ vững chủ quyền biển, đảo, nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Trên cơ sở đó, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta theo đúng UNCLOS 1982; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn, tránh để bị cô lập; giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm chủ quyền nước ta của Trung Quốc trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng cho rằng cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước, nhất là truyền thông báo chí để nâng cao nhận thức về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo.

Bên cạnh đó, cần nâng cao lòng yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ Quốc phòng cũng cho rằng cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp; kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một giải pháp khác được Bộ Quốc phòng đề cập là đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa, sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của ta, cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên cả nước, đặc biệt trong các tình huống trên biển có diễn biến phức tạp.

Vũ Hân/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều