+
Aa
-
like
comment

Bộ Nội vụ: Nghi lễ Phật giáo online hoàn toàn phù hợp và tiện ích

26/02/2021 12:19

Theo Bộ Nội vụ, mặc dù việc thực hiện nghi lễ Phật giáo online chưa phải là hình thức phổ biến nhưng trong bối cảnh hiện nay hình thức tổ chức này là hoàn toàn phù hợp và tiện ích.

Mới đây, thông tin nhiều cơ sở tự viện đã tổ chức nghi lễ cầu an, pháp hội Dược sư bằng hình thức online thông qua các nền tảng mạng xã hội hay câu chuyện nhận cúng dường online của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận, gây ra nhiều luồng ý kiến trái ngược.

Thực hiện Chỉ thị về việc tạm dừng đón khách tại các cơ sở tôn giáo để phòng dịch Covid-19, tối 25/2 chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tổ chức cầu an theo hình thức trực tuyến, cảnh tượng được đánh giá là chưa từng có trước đây.

Trên trang Facebook Học viện Phật giáo Việt Nam, tính đến khoảng 21 giờ cùng ngày, có hơn 3000 lượt theo dõi về đại lễ cầu an Tổ đình Phúc Khánh. Tuy vậy, trước cửa chùa PV vẫn ghi nhận một số người dân đứng chờ để được vào hành lễ, cầu bình an đầu năm.

Bộ Nội vụ: Nghi lễ Phật giáo online hoàn toàn phù hợp và tiện ích - Ảnh 2.
Người dân theo dõi lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh qua kênh Truyền hình

Gia đình bà Đặng Hải Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) năm nay chỉ dâng hương, cúng bái ở nhà để cầu bình an, may mắn. Bà Anh cho biết: “Việc thực hiện các nghi lễ online hoàn toàn là việc bất khả kháng vì dịch bệnh, còn cá nhân tôi cảm thấy không thiêng liêng, ý nghĩa bằng dâng hương, vãn chùa trực tiếp như mọi năm”.

Còn anh Nguyễn Hoàng Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại thấy việc thực hiện nghi lễ cầu an trực tuyến là cách làm thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại mà vẫn đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Phù hợp hay không phù hợp là do góc nhìn của mỗi người. Với cá nhân mình, việc tuân thủ Chỉ thị chống dịch của Nhà nước cũng chính là góp phần tạo nên bình an, may mắn cho bản thân và những người xung quanh rồi”, anh Thanh chia sẻ.

Bộ Nội vụ: Nghi lễ Phật giáo online hoàn toàn phù hợp và tiện ích - Ảnh 4.
Dù chùa đóng cửa, một số người dân vẫn đến lễ vọng từ cổng vào.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, nếu chúng ta chấp nhận việc lễ bái, cúng dường online trở thành một hình thức thể hiện của đời sống tâm linh hiện đại, thậm chí thừa nhận đó là nét văn hoá nghĩa là chúng ta đang cơ học hoá, vật lý hoá, điện tử hoá câu chuyện nhân văn của văn hoá. Hệ quả là sẽ làm xơ cứng, chai sạn dần những giá trị nhân văn của hoạt động lễ chùa.

“Ban đầu, có thể giá trị này được gọi bằng những thuật ngữ “cúng dường”, “công đức”… nhưng dần dần chuyển hoá thành thù lao. Chúng ta có thể xem đó là một dạng thù lao của hoạt động tôn giáo – tâm linh”, ông Bình nêu quan điểm.

Bộ Nội vụ: Nghi lễ Phật giáo online hoàn toàn phù hợp và tiện ích - Ảnh 5.
Vãn cảnh, lễ chùa đầu năm vốn là nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt. Ảnh: IT

Nêu quan điểm về vấn đề này, Ban Tôn giáo Chính phủ – Bộ Nội vụ cho biết: Việc tổ chức hoạt động tâm linh trực tuyến của các cơ sở tự viện Phật giáo không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn hạn chế tập trung đông người đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo tiết kiệm trong bối cảnh khó khăn về kinh tế.

“Mặc dù việc thực hiện nghi lễ Phật giáo online chưa phải là hình thức phổ biến nhưng trong bối cảnh hiện nay hình thức tổ chức này là hoàn toàn phù hợp và tiện ích. Phật tử, người dân vẫn tham dự nghi lễ tâm linh đầu năm trong không khí trang nghiêm, thành kính và có thể gửi gắm trọn vẹn niềm tin tâm linh của mình, đồng thời cũng được bổ sung kiến thức về Phật giáo, thêm những hiểu biết về triết lý nhân sinh để hướng thiện, góp phần tăng trưởng trí tuệ và bồi dưỡng lòng từ bi trong mỗi người.

Thực hành nghi lễ Phật giáo online cũng chính là xu hướng văn minh trong tương lai”, Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều