Bộ Nội vụ đề xuất trả lương cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Để nâng cao tính hiệu quả, thực chất của công tác thi đua – khen thưởng, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung các hình thức thưởng hiệu suất công việc bằng tiền và ngày nghỉ.

Sau khi tham khảo các chế độ, chính sách về tiền lương, khen thưởng, kỷ luật… của nhiều quốc gia, Bộ Nội vụ đưa ra một số đề xuất mới để đưa vào Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tới đây.
Dự kiến, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới.
Theo tham khảo của Bộ Nội vụ, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm: Tiền lương, thưởng, phụ cấp: đi lại, cư trú, khu vực…, không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm. Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất, để đảm bảo đời sống cho công chức, giúp công chức yên tâm công tác, hạn chế việc làm thêm cũng như tiêu cực, Việt Nam cần trả lương theo vị trí việc làm.
Cơ sở để trả lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động. Có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và “chảy máu chất xám”.
Về chính sách khen thưởng, ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia khác không sử dụng hình thức khen cho tập thể và cá nhân, mà thay vào đó là hình thức thưởng: Thưởng bằng tiền (tiền thưởng bằng 10-20% mức lương công chức hiện hưởng) và ngày nghỉ.
Riêng Mỹ áp dụng hình thức vinh danh của Tổng thống. Đối với các cơ quan, người đứng đầu trả thưởng bằng tiền mặt để vinh danh công chức có thành tích. Một là cho các phát minh, thành tích vượt trội hoặc nỗ lực cá nhân khác của mình, góp phần nâng cao hiệu quả, tính kinh tế hoặc cải thiện hoạt động khác của Chính phủ hoặc đạt được mức giảm đáng kể về thủ tục giấy tờ. Hai là thực hiện một hành động hoặc dịch vụ đặc biệt vì lợi ích công cộng có liên quan đến công việc của mình.
Vì vậy, Bộ đề xuất Việt Nam cần cân nhắc nâng cao tính hiệu quả, thực chất của công tác thi đua – khen thưởng. Chúng ta cần xây dựng và bổ sung các hình thức thưởng hiệu suất công việc bằng tiền và ngày nghỉ. Có như vậy mới thực chất, gắn với kết quả đánh giá hiệu suất và động lực làm việc cho công chức.
Về kỷ luật, các quốc gia xây dựng quy trình xử lý kỷ luật và áp dụng các hình thức kỷ luật như: Cảnh cáo, khiển trách, khấu trừ lương, giảm lương, hạ bậc lương, hạ ngạch, đình chỉ, sa thải và trục xuất. Khi phát hiện hành vi sai phạm hoặc có tố cáo, người đứng đầu cơ quan sẽ thành lập một Ủy ban điều tra.
Đối với vụ việc có sự tham gia của công chức nhiều cơ quan, Ủy ban Công vụ sẽ thành lập một Ủy ban điều tra để điều tra hành vi vi phạm của công chức.
Bộ cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu cơ chế thành lập Ủy ban điều tra. Vì hiện nay, khi nhận được tố cáo thì Cấp ủy và Thanh tra, Bộ phận tổ chức không đủ chuyên môn để điều tra về các hành vi sai phạm của công chức.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất Việt Nam nên bổ sung các hình thức kỷ luật như: Khấu trừ lương, giảm lương, hạ ngạch, đình chỉ khi công chức do rối loạn về tâm thần hoặc thể chất hoặc bị khởi tố liên quan tới một vụ việc hình sự.
Về tuổi nghỉ hưu, các quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 – 65 tuổi. Đối với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia, tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài đến 75 tuổi.
Ngoài ra, các quốc gia còn quy định chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái…
Bộ gợi ý Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn, có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.
Bích Ngân