Bộ Ngoại giao nói gì về việc một nhóm người Philippines xé cờ Việt Nam?
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hành động phá hoại lá quốc kỳ là xúc phạm tình cảm nhân dân của Việt Nam và cần bị lên án nghiêm khắc.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết phản ứng về việc một số người Philippines đã biểu tình, xé quốc kỳ Việt Nam ở bên ngoài trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Manila.
Bà Hằng khẳng định: “Lá cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ thiêng liêng của Việt Nam. Hành động phá hoại lá quốc kỳ là xúc phạm tình cảm nhân dân của Việt Nam và cần bị lên án nghiêm khắc.
Chúng tôi yêu cầu phía Philippine xử lý nghiêm sự việc, có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu không để sự việc tái diễn, gây ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước”.
Cũng tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan tới việc Trung Quốc thông báo nước này thực hiện cuộc huấn luyện quân sự trên Biển Đông và khu vực tập trận bao trùm một phần lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bà Hằng khẳng định: “Việc Trung Quốc đưa một phần quần đảo Hoàng Sa vào cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông từ 29/7 – 2/8 đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định trên Biển Đông”.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, dừng ngay hành động vi phạm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trước đó, vào sáng 1/8, tại Philippines đã nổ ra cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam. Theo tờ Manila Bulletin, một số nhân vật thuộc nhóm Makabansa đã tập hợp trước đại sứ quán lên án cái gọi là hoạt động quân sự hóa của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi Việt Nam ngừng đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Kalayaan. Đây không phải là một cuộc biểu tình bất chợt mà nhiều khả năng là một vụ giật dây.
Âm mưu này bắt đầu từ khi tờ Manila Times ngày 16/7 đăng bài viết về hoạt động xây cất của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, sử dụng cái gọi là tài liệu bị rò rỉ từ phía Việt Nam từ một nguồn tin bí mật.
Tuy nhiên, vì Manila Times là tờ báo được xếp vào hàng “cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh”, đặc biệt về vấn đề Biển Đông, nên không tạo ra được hiểu ứng lan tỏa. Vấn đề bị chìm đi sau đó không lâu sau bài báo đầu tiên, nên “nguồn tin” đã cố gắng tiếp xúc với những tờ báo lớn hơn ở Philippines để mớm và thúc đẩy vấn đề này, nhằm mục đích tiếp tục làm nóng, tạo ra dư luận lớn hơn, nhưng bất thành.
Vì thế, đến ngày 27/7, tờ Manila Times tiếp tục chạy một bài nặng đô hơn. Sau thời điểm ấy, một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam nổ ra đã làm vấn đề này trở nên được quan tâm hơn. Không loại trừ khả năng cả cuộc biểu tình này cũng đã được hoạch định trong âm mưu đó. Vì dù các tờ báo khác ở Philippines có bỏ qua “các tài liệu mật” thì vụ biểu tình cũng đã thu hút chú ý của dư luận.
Mục đích của âm mưu này không ngoài việc rêu rao hoạt động xây đảo của Việt Nam, xem Việt Nam là kẻ gây hấn lớn ở quần đảo Trường Sa, chia rẽ Việt Nam với Philippines, Malaysia, cũng như hướng dư luận Philippines có thái độ không thân thiện với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN.
Bích Vân