+
Aa
-
like
comment

Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ Tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát giàn khoan Hải Thạch

Hồng Anh - 25/02/2021 21:04

Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 25/2, liên quan tới thông tin tàu hải cảnh 5304 của Trung Quốc áp sát giàn xử lý Hải Thạch thuộc Lô 05-2 của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát giàn khoan Hải Thạch, Bộ Ngoại giao lên tiếng - 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. 

Bà Hằng nhấn mạnh hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đã được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Theo thông tin Dự án Đại ký sự Biển Đông đăng tải, sáng 22/2, tàu hải cảnh 5304 của Trung Quốc di chuyển vào khu vực giàn khoan Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác chỉ khoảng một hải lý.

Ngoài ra, hải trình của Hải cảnh 5304 trong thời gian vừa qua cho thấy tàu Trung Quốc hoạt động tại khu vực ngoài khơi đảo Phú Quý, có thể từ ngày 6 đến 18/2/2021. Tàu rời cảng Tam Á, đảo Hải Nam từ ngày 1/2/2021 và ghé qua bãi Hải Sâm, đá Subi và đá Chữ Thập trước khi tiến vào Lô 05.2 và Lô 05.3.

Cũng trong buổi họp báo, bình luận về việc tàu chiến Mỹ trong tháng 2 di chuyển gần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đánh dấu hải quân Mỹ lần đầu tiên thực hiện hoạt động tự do hàng hải dưới thời Tổng thống Biden, người phát ngôn cho biết:

“Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và thành viên của Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, Việt Nam tuân thủ các quy định của Công ước, kể cả các quy định có liên quan tới hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông”.

Về việc Pháp điều tàu ngầm hạt nhân tới tuần tra ở Biển Đông, bà Hằng khẳng định duy trì hòa bình, ổn định, trật tự an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều