Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc so sánh Sài Gòn 1975 và Kabul 2021 tại Afghanistan
Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi về sự so sánh giữa Sài Gòn năm 1975 và thủ đô Kabul của Afghanistan năm 2021, sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan từ chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani.
Afghanistan vừa chứng kiến bước ngoặt trong cuộc chính biến, khi quân Taliban tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul. Hàng ngàn người Afghanistan cũng như công dân nước ngoài đã sơ tán khỏi thủ đô.
Trong thời gian qua, báo chí nước ngoài đã đăng tải hình ảnh liên hệ giữa bối cảnh Sài Gòn năm 1975 và Kabul năm 2021.
Trả lời bình luận của Việt Nam về vấn đề này tại cuộc họp báo chiều 19-8, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định với chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, quân đội và nhân dân Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, toàn dân cùng chung tay xây dựng và phát triển đất nước.
“Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã đem lại lòng tin, sự phấn khởi, khâm phục, mến mộ của lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng đó là không thể lay chuyển”, bà nhấn mạnh.
Liên quan tới bình luận của Việt Nam nói chung về tình hình Afghanistan, bà Thu Hằng cho biết Việt Nam mong muốn tình hình tại Afghanistan sớm đi vào ổn định, vì lợi ích người dân cũng như hòa bình ổn định của khu vực.
Taliban hiện tăng cường các cuộc tiếp xúc với các quan chức thuộc chính quyền Afghanistan trước đây để tiến hành đàm phán, chuyển giao quyền lực.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Taliban cho biết lực lượng này sẽ gặp các cựu quan chức, những người có sức ảnh hưởng tại Afghanistan trong vòng 48 tiếng kể từ ngày 18-8.
Sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, gần 40 quốc gia tham gia Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu ở Afghanistan đang khẩn trương tái định cư người tị nạn.
Việc xử lý người sơ tán khỏi Afghanistan đang là vấn đề đau đầu cho các nước khác, đặc biệt ở châu Âu – nơi đã gồng gánh nhiều vấn đề người di cư, tị nạn từ Trung Đông nhiều năm qua.
Ngày 17-8, Bộ trưởng phụ trách nhập cư của Hy Lạp Notis Mitarachi khẳng định một mình Hy Lạp không thể trở thành cánh cổng vào Liên minh châu Âu (EU) cho người sơ tán Afghanistan.
Ông Mitarachi kêu gọi EU phải có giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng này. Theo đó, EU cũng cần phải tìm sự thống nhất trong việc liệu có nên trục xuất những trường hợp xin tị nạn bất thành từ Afghanistan tuần trước hay không.
Ngọc Anh