+
Aa
-
like
comment

Bộ mặt thật của “chị Đại” với tấm lòng “Bồ tát” có chồng là “tướng công an”

02/01/2021 08:51

Tin Nguyễn Thuý Vân (ở số 8, ngõ 33, phố Vĩnh phúc, Ba Đình, Hà Nội) bị Phòng CSHS – Công an TP Hà Nội bắt giam về tội lừa đảo đã khiến cả nhóm thiện nguyện vỡ oà cảm xúc. Mừng vì cuối cùng thì tấm mặt nạ “Bồ tát” mà Vân sắm bấy nay đã bị lột ra, hiện nguyên hình là một kẻ táng tận lương tâm khi bị tố cáo lừa hơn 20 tỷ đồng trên sự lương thiện của bầu bạn.

Dẫu rằng lúc công lý lên tiếng thì nhiều người đã tán gia bại sản, nhưng niềm an ủi với họ là sự quỷ quyệt, man trá đã phải nhận cái giá tương xứng. Tiếp đến là việc tống cô ta vào trại giam đã kịp thời ngăn chặn bàn tay đen đúa ấy tiếp tục thò vào túi tiền bạn bè. Một bài học đau xót về lòng tin khi bị đặt nhầm chỗ. Mô tả “lớp lang” trong vụ lừa đảo này, chúng tôi muốn cảnh báo về một thủ đoạn xảo quyệt núp bóng thiện nguyện đang diễn ra phức tạp hiện nay.

“Bắc cầu”… lòng tin

Trong câu chuyện buồn này, tôi cảm thấy mình là người có lỗi khi đã mời Nguyễn Thuý Vân (thường tự xưng là Bé Bự theo nick Facebook) đến gặp nhóm thiện nguyện của mình, trong buổi tổng kết rút kinh nghiệm sau chuyến cứu trợ đồng bào một số huyện thuộc Yên Bái gặp thảm họa thiên tai cuối năm 2018. Trước đó khoảng chục ngày, tôi nhận được thư đề nghị của Ủy ban MTTQ tỉnh này về việc kêu gọi nhân dân cả nước ủng hộ địa phương khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu.

Là người con của quê hương Yên Bái, tôi cùng nhóm bầu bạn thân thiết đã đứng ra phát động thập phương quyên góp cho chuyến cứu trợ. Chỉ hơn 1 tuần, chúng tôi đã quyên góp được gần 700 triệu đồng, gồm tiền mặt và hiện vật như gạo, mỳ tôm, nồi xoong, cây lọc nước ăn, thuốc chữa bệnh… Trong số đó, Vân có gửi cho đoàn cứu trợ trước giờ xuất phát số hiện vật (nồi, xoong, cây nước Kanguru) trị giá khoảng 50 triệu đồng. Để cảm ơn người dù chỉ mới biết nhau qua Facebook, đã xuất tâm hỗ trợ bà con quê tôi số hiện vật có giá trị, tôi đã nhận lời ra gặp chị ta tại một quán nhỏ trước giờ xe chạy, vì Vân báo bận không đi cùng đoàn.

Nguyễn Thuý Vân trong vai người hoạt động thiện nguyện tại vùng cao.

Tôi được người quen giới thiệu Vân là một “chị Đại” với tấm lòng “Bồ tát”, thường tổ chức những chuyến đi thiện nguyện, giúp đỡ các mảnh đời gian khó. Tôi tin điều ấy, vì số hàng của Vân vừa được chất lên xe. Hơn nữa, lòng tin rất dễ bắc cầu, qua những người mà chúng ta tin tưởng.

Niềm tin trong quan hệ xã hội thường được xây nên bởi phán đoán rằng một người đã vì đồng bào trong hoạn nạn mà bỏ ra số tiền lớn, không hề đòi hỏi đền đáp, hẳn nhiên là có một trái tim nhân hậu. Về sau, khi biết Vân “của người phúc ta”, mượn chương trình của chúng tôi để kêu gọi các doanh nghiệp  ủng hộ số quà đó, chứ không phải tiền túi chị ta bỏ ra mua, mọi người mới vỡ lẽ đó là chiêu “thuận tay dắt dê”, lấy cớ làm từ thiện để mở ra các mối quan hệ mới và “kiếm ăn” từ đó.

“Hô biến” bạn bè thành tài sản

Từ buổi gặp ấy, Vân đã bước vào nhóm thiện nguyện của chúng tôi. Quá trình giao tiếp, Vân luôn thể hiện phong độ “đại tẩu”. Không chỉ hào phóng tranh trả tiền trong các cuộc gặp gỡ, rồi quan tâm chu đáo tới mọi chuyện không may trong gia đình thành viên nhóm, thì Vân còn thường kể với đàn em về khối tài sản “kếch sù” của mình, tỷ như nhà đất ở khắp mọi nơi, xe Maybach, biệt thự, khu sinh thái ở ngoại ô Hà Nội…

Về nhân thân, Vân cho biết mình là tiến sĩ ngôn ngữ học, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Giáo dục và đào tạo, có chồng là Thiếu tướng Công an, là em gái kết nghĩa của một lãnh đạo cao cấp trong lực lượng vũ trang. Dù tất cả những điều Vân nói, chỉ là “nổ” để tăng uy tín, với dã tâm lừa lọc mọi người ngay từ đầu. Nhưng vì đã tin nên không ai có động thái kiểm tra tính xác thực, mà mặc định đó là sự thật, đến mức vài bạn tôi còn nói vui vì “kiếp trước tu tốt nên kiếp này mới có phước lành được gặp Bé Bự”.

Uy tín và lòng tin với Vân được “nở” ra theo cấp số nhân theo cách đó. Chị ta rất có ý thức kết nối giao hảo với anh em làng báo – những người “không có gì ngoài quan hệ”. Với chất hồn nhiên, có phần văn nghệ sĩ, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã vô tư dùng những “lời có cánh” để giới thiệu Vân với bạn bè của mình.

Chẳng thế mà về sau có thêm nhiều người thiếu chút nữa đã bị “sập bẫy” của “Bé Bự” khi tin vào những lời tâm tình, chỉ cách kiếm tiền từ việc đầu tư kiểu “mua thóc non” trong các dự án bất động sản. Vân “chém” có quan hệ với nhiều nhân vật “chóp bu”, có thể giúp đỡ họ mua suất, bán sang tay kiếm chênh lệch giá. Họ chỉ việc đưa tiền cho Vân, chị ta cam kết sẽ giúp lo mọi chuyện từ “A đến Z”. Chẳng thế mà khi Vân bị bắt, nhiều người đã thảng thốt, sợ hãi, rồi mất lòng tin vào “nhân tình thế thái”.

Từ nghi ngờ đến sự thật

Sau khi tham gia nhóm thiện nguyện, Vân đứng ra phát động chúng tôi tiếp tục tổ chức thêm nhiều chuyến đi về với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Nghệ An… Cùng đi, tình cảm chị em thêm bền chặt. Nhưng cũng chính trong quá trình này, Vân dần bộc lộ những điểm khiến tôi nghi ngờ, bắt đầu từ sự thất tín, sai hẹn từ những chuyện nhỏ nhặt. Dùng lý trí quan sát Vân, nỗi ngờ vực lớn dần khi tôi nhận ra ở con người này có thứ gì đó rất “ảo”, như là “biểu diễn nhân văn” – một thủ đoạn thường thấy ở đối tượng lừa đảo.

Nguyễn Thúy Vân đã bị bắt về tội lừa đảo.

Nghề điều tra tội phạm trước đây đã mách bảo tôi rằng người thực sự tốt thường sẽ không cố gắng chứng tỏ sự tử tế hay đạo đức của mình. Vì những việc thiện được làm một cách tự nhiên nhất, sẽ nói lên nhân cách của họ. Còn kẻ lừa đảo thì khác, vì kiếm ăn trên lòng tin của người khác nên chúng sẽ làm mọi việc để gia tăng uy tín, sự tin cậy… để có đất diễn cho những âm mưu đen tối ẩn chứa phía sau.

Tìm hiểu về Vân, thấy không thể kiểm chứng được các mối quan hệ mà Vân thường “nổ”, nên tôi đã cảnh báo mọi người không nên giao thiệp về tài chính với chị ta, đề phòng rủi ro. Tuy nhiên, lúc đó tôi đâu biết rằng họ đã “cắn câu” khi đã chuyển cho Vân những khoản tiền lớn để đầu tư vào một số dự án bất động sản. Mãi sau khi sự việc vỡ lở, các nạn nhân mới kể chính Vân đã yêu cầu họ giữ bí mật với tôi. Có lẽ chị ta sợ tôi khi biết chuyện sẽ khuyên can, tư vấn cho mọi người. Không chỉ có vậy, Vân bắt đầu dựng chuyện nói xấu để ly gián các thành viên trong nhóm với nhau.

Vì khi không ai tin ai, Vân dễ bề “múa tay trong bị”. Sự lương thiện của các bạn tôi đã bị người đàn bà lọc lõi này khai thác. Họ từng bước sa vào “mê hồn trận” những tin xấu để rồi nghi kỵ nhau. Và người bị xa lánh đầu tiên lại chính là tôi – người đã đưa Vân đến với nhóm thiện nguyện.

Lộ diện

Gần 2 năm sau những người bạn ngày nào đã gặp lại tôi, khóc lóc và kể chuyện đã bị Vân lừa số tiền hơn 20 tỷ đồng. Họ cho biết vì nghe Vân nên đã xa lánh và bỏ ngoài tai những lời khuyên can chân thành của tôi khi trước, để rồi sập bẫy kẻ lừa đảo siêu hạng này.

Trong số những nạn nhân của Vân, “đau” nhất phải kể đến chị Th. Th kể với tôi trong tiếng nấc: “Khoảng tháng 10-2018, em có nhu cầu đầu tư mua đất tại khu đất Thành Đội, thuộc TP Móng Cái, Quảng Ninh để làm nhà ở. Đây là dự án phân lô bán nền cho các cán bộ, sĩ quan trong quân đội.

Biết chuyện, Vân “nổ” mình là “đệ” của một số lãnh đạo cao cấp, nên có thể nhờ họ can thiệp, giúp em mua lại lô đất từ người được cấp chỉ trong khoảng 6 tháng, em chỉ việc chuyển tiền cho chị ta lo liệu công việc. Do tin tưởng, em đã vay mượn nhiều nơi, cầm cố thế chấp “sổ đỏ” của bố mẹ để vay tiền ngân hàng đưa cho Vân theo yêu cầu.

Sau đó, biết em muốn mua thêm 3 lô đất tại khu đô thị Phương Đông (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) và xử lý một số công việc khác, Vân cũng đứng ra nhận việc và bảo em chuyển tiền. Tuy nhiên, không một việc nào được triển khai. Chờ mãi thấy việc không “trôi”, em sốt ruột hỏi thăm thì Vân nại ra nhiều lý do khác nhau, hứa hẹn rồi thất hứa nhiều lần. Trước khi bị bắt, chị ta vẫn bảo em chuyển thêm tiền để giải quyết các tình huống phát sinh. Đâm lao đành phải theo lao”, vì đã chót đưa cho chị ta số tiền lớn, nên em đành phải chạy theo mọi yêu cầu của chị ta. Sau nhiều lần chuyển khoản và đưa trực tiếp, Vân đã cầm của em hơn 11 tỷ đồng”.

Th. tâm sự một chuyện khiến chị căm hận Vân đến xương tuỷ. Đó là lần Vân gọi điện “hạ lệnh” cho Th. phải gửi gấp xuống Hà Nội cho chị ta 3 chiếc điện thoại Iphone đời mới nhất để biếu lãnh đạo. Vì đang ngập trong nợ nần do vay tiền chuyển cho Vân trước đó, nên Th. xin chị ta thư thư cho ít bữa.

Vân nói việc ngoại giao quan trọng, không được trì hoãn. Cực chẳng đã, Th. đành phải bấm bụng đi vay tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” để có mấy trăm triệu mua điện thoại gửi cho Vân. Tuy nhiên, khi nhận được hàng trước mặt một số phóng viên, để thể hiện “đẳng cấp”, Vân đã khoe khoang và bóc máy sử dụng cho mình luôn. Vân không ngờ rằng Th. và những người có mặt hôm đó quen nhau. Biết chuyện, lòng tin của Th. đối với Vân mới sụp đổ từ đó.

Được biết, ngoài Th. ra, còn nhiều người khác cũng đã bị Vân lừa với cùng thủ đoạn. Thiệt hại của cả nhóm thiện nguyện lên tới hơn 20 tỷ đồng. Đáng thương nhất là có nhiều cán bộ, công chức, phóng viên… do khả năng tài chính giới hạn nên đã phải vay giật nhiều nơi, cầm cố tài sản, giấy tờ đất của người thân để vay tiền ngân hàng, vay nóng ngoài xã hội để có tiền đưa cho Vân, vì bỏ cuộc sợ mất số tiền đã đưa.

Nghe chuyện, tôi sửng sốt, vừa giận lại vừa thương. Thực lòng tôi đã bỏ qua mọi sự gian dối của chị ta với mình, nhưng việc Vân đẩy các bạn tôi vào tình cảnh “tán gia bại sản” thì không thể tha thứ. Vân cần phải nhận một cái giá tương xứng – đó là sự trừng phạt của pháp luật. Tôi đã giúp đỡ các nạn nhân tố giác tội phạm đến Phòng CSHS Hà Nội, đề nghị điều tra làm rõ sự việc. Ngày 1-12-2020, Đội điều tra trọng án đã thực hiện lệnh bắt, tạm giam Nguyễn Thuý Vân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án đã để lại bài học đau xót về cái giá của lòng tin khi bị đặt nhầm chỗ. Trong giao tiếp xã hội, mọi người nên rèn thói quen kiểm tra xác thực nguồn thông tin, không dễ dãi tin cậy những người không rõ về nhân thân, lý lịch, công việc, nghề nghiệp…

Đừng bị hình thức biểu hiện của họ đánh lừa, vì rất có thể đó là “vỏ bọc” của những kẻ sành sỏi trong nghề lừa đảo. Khi không thể kiểm chứng, xác thực về con người, quan hệ, công việc, hãy nghĩ đến rủi ro trong giao dịch để không tự biến mình thành nạn nhân của tội phạm trong tương lai.

Đào Trung Hiếu/CAND

Bài mới
Đọc nhiều