Bỏ mặc tính mạng người dân vì Covid-19, TT Brazil chỉ quan tâm tới một “bệnh nhân” duy nhất
Brazil hiện đã vượt lên nhiều quốc gia khác, trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Brazil, dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh nhưng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe đã hoàn toàn quá tải. Khi các bác sĩ nỗ lực đấu tranh để cứu người thì Tổng thống Jair Bolsonaro dường như chỉ tập trung vào một “bệnh nhân” khác: Nền kinh tế của đất nước.
Thay vì sức khỏe thì giàu có mới là mối bận tâm của ông Bolsonaro, người gần đây bắt đầu gọi cuộc chiến chống lại Covid-19 là “chiến tranh”. Nhưng vào ngày 14/5, ông lại nói rằng: “Chúng ta phải dũng cảm đối mặt với loại virus này. Người dân đang tử vong? Đúng, và tôi rất tiếc. Nhưng nhiều người nữa sẽ thiệt mạng nếu nền kinh tế tiếp tục bị phá hủy vì các biện pháp này [lệnh phong tỏa]”.
Hiện nay, Brazil – với hơn 330.000 ca – đã trở thành quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau Mỹ. Nhưng ông Bolsonaro, vốn mô tả Covid-19 là “cúm thường”, đã thúc giục các doanh nghiệp mở cửa trở lại, mặc dù nhiều Thống đốc yêu cầu tăng cường các biện pháp cách ly xã hội để làm giảm sự lây lan.
Cái chết sau cánh cửa bệnh viện
Trong phòng Chăm sóc tích cực (ICU) của Viện truyền nhiễm Emilio Ribas ở Sao Paulo, các bác sĩ tỏ ra rất bất mãn khi được hỏi về quan điểm của Tổng thống.
“Nó không phải là bệnh cúm. Nó là điều tồi tệ nhất mà chúng tôi từng đối mặt trong sự nghiệp”, bác sĩ Jacques Sztajnbok trả lời một cách mệt mỏi và cho biết, bản thân ông cũng rất lo lắng cho sức khỏe của chính mình.
Ở phòng ICU, Covid-19 đang gieo rắc cái chết trong sự tĩnh lặng ngột ngạt.
Sự im lặng đầu tiên bị phá vỡ bởi tín hiệu đèn đỏ nhấp nháy. Tiếp sau đó, bác sĩ đội mũ bảo hộ, thực hiện động tác ép ngực để cứu bệnh nhân. Bệnh nhân ở độ tuổi 40 và cơ hội sống rất mỏng manh trong những ngày qua.
Một y tá khác chạy vào. Trước khi vào phòng ICU này, các nhân viên y tế sẽ dừng lại một lúc ở một phòng bên ngoài để thay trang phục bảo hộ và sát khuẩn tay. Ngoài hành lang, một bác sĩ vội vàng mặc áo khoác bảo hộ. Những khoảnh khắc này đã diễn ra vô số trước đại dịch nhưng giờ đây, mọi chuyện chẳng hề dễ dàng. ICU đã quá tải trong khi theo dự đoán, Sao Paulo sẽ đạt đỉnh dịch vào khoảng hai tuần nữa.
Qua cửa kính, một nhân viên gồng mình giữ đầu bệnh nhân để thay dây truyền, đổi vị trí cho đồng nghiệp.
Một bác sĩ ra khỏi phòng, trán vã mồ hôi, ngồi nghỉ bên ngoài hành lang mát mẻ hơn. Cánh cửa kính chợt đóng sầm, một tiếng ồn hiếm hoi. Trong 40 phút, các bác sĩ nỗ lực tập trung cấp cứu bệnh nhân và bất ngờ, màn hình theo dõi nhịp tim chỉ còn thể hiện đường thẳng.
Covid-19 đã hủy hoại cuộc sống của nhiều người nhưng cách nó “ra tay” vẫn thường được giấu trong các phòng ICU, nơi chỉ có nhân viên y tế can đảm mới chứng kiến và dần trở nên quen thuộc.
Thực tế, nhiều nhân viên y tế Brazil cũng đã thiệt mạng vì Covid-19. Cách đây hai ngày, các bác sĩ Viện truyền nhiễm Emilio Ribas đã mất đi người đồng nghiệp 28 năm trong nghề, y tá Mercia Alves. Hôm nay, họ cùng nhau, đứng trước cửa kính của một phòng cách ly khác, bên trong là một đồng nghiệp đang được đặt nội khí quản. Và một đồng nghiệp khác cũng mới nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đại dịch khiến bệnh viện quá tải và giờ nó tấn công cả đội ngũ nhân viên y tế.
Theo CNN, viện Emilio Ribas hiện đang thiếu giường bệnh trầm trọng và nhiều nhân viên đã thiệt mạng vì Covid-19 mặc dù đây là cơ sở y tế được trang bị tốt nhất ở Sao Paulo. Điều này được coi là điềm báo đen tối cho những tuần sắp tới của Brazil.
Dịch bệnh tràn lan ở khu ổ chuột
Đại dịch Covid-19 hiện đang lây lan nhanh chóng trong các khu ổ chuột. Renata Alves, một tình nguyện viên y tế cười, lắc đầu thốt lên rằng “Thật vô trách nhiệm” khi bình luận về quan điểm “cúm thường” của Tổng thống Bolsonaro. Cô hiện rất bận với công việc hỗ trợ y tế để đảm bảo sức khỏe của người dân khu ổ chuột.
Trong một căn phòng, loạt máy may được bày ra, những người phụ nữ được dạy cách may khẩu trang từ bất kỳ vật liệu nào họ kiếm được. Ở một nơi khác, 10.000 suất ăn đang được chuẩn bị và sẽ được đưa tới những nơi người dân không thể mua được thực phẩm do lệnh phong tỏa được thi hành.
Alves đi đến một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng ngoại ô Paraisopolis. Những con đường và ngõ ngách chật hẹp, dày đặc giải thích lý do tại sao đại dịch Covid-19 lại lây lan nhanh chóng như vậy ở Sao Paulo.
Cô cho biết, hiện nay, chỉ những trường hợp xuất hiện ba triệu chứng liên quan đến Covid-19 mới được xét nghiệm, thậm chí số tiền trang trải cho việc này phải dựa vào một nhà tài trợ tư nhân. Do đó, rất nhiều người không được xét nghiệm.
“Chủ yếu là xét nghiệm được thực hiện khi người bệnh đang ở giai đoạn tiến triển của bệnh”, cô đưa bác sĩ tới nhà của Sabrina, một người có biểu hiện ho, đang cách ly cùng ba đứa con trong căn phòng nhỏ. .
“Có rất nhiều ca khó,” Alves nói. “Có ca là một người phụ nữ béo phì cần tám người khiêng ra xe cứu thương. Hay có ca là một người đàn ông mắc bệnh Alzheimer… Chúng tôi phải hỏi gia đình mới có thể đưa ông ấy ra khỏi nhà. Thật khó khăn”. Người phụ nữ sau đó sống sót, còn người đàn ông đã qua đời.
Maria Rosa da Silva, một phụ nữ 53 nói rằng cô nghĩ mình bị nhiễm virus khi đi chợ, mặc dù cô đeo khẩu trang và găng tay đầy đủ. Vì vậy, cô đã tự cách ly ở nhà mình.
“Những người như tôi thuộc nhóm nguy cơ sắp tử vong”, cô nhấn mạnh. “Hôm qua, ngay cả chủ hiệu thuốc cũng đã qua đời. Nhiều người đang mất mạng vì sự bất cẩn của ai đó. Nếu đó là vì lợi ích của xã hội, chúng ta phải làm điều này [cách ly]”.
Tình hình dịch bệnh tại Brazil hiện rất đáng báo động bởi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan viurs vẫn đang gây tranh cãi giữa đội ngũ lãnh đạo quốc gia.
Trong khi đó, trên những ngọn đồi ở Sao Paulo, nghĩa trang Vila Formosa tràn ngập tang tóc, những ngôi mộ trống kéo dài vô tận. Dường như, cứ 10 phút lại có thêm một đám tang.
An An/TQ