Bộ GTVT tuyển nhà đầu tư trong nước làm cao tốc Bắc – Nam
Bộ GTVT chính thức tuyển nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2017 -2021.
Các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ là nơi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam.
Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc BQL dự án 6 (Bộ GTVT) cho biết, về cơ bản điều kiện chọn nhà đầu tư cho dự án cao tốc Bắc – Nam không có gì thay đổi so với đấu thầu quốc tế trước đây.
“Trong tuần này chúng tôi sẽ phát hành hồ sơ chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50 km”, ông cho hay.
Đơn vị quản lý dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn QL45 – Nghị Sơn, Giám đốc BQL dự án 2 Phạm Hồng Sơn cho biết, đơn vị đã phát hành hồ sơ mời nhà đầu tư.
Về điều kiện chọn nhà đầu tư chỉ khác so với đấu thầu quốc tế là hồ sơ mời thầu nhà đầu trong nước không có bản tiếng Anh.
“Hiện đã có nhiều DN trong nước quan tâm, họ thăm dò mua hồ sơ đầu tư dự án. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nộp hồ sơ không có gì chắc chắn dự án sẽ chọn được nhà đầu tư”, ông Sơn nói.
Trước đó, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dù hủy chào thầu quốc tế, chuyển sang chào thầu rộng rãi tìm nhà đầu tư trong nước nhưng các điều kiện với nhà đầu tư sẽ không có nhiều thay đổi.
Theo đó, vốn tự có của nhà đầu tư tối thiểu cho dự án vẫn bằng 20% tổng vốn dự án tham gia. Ngoài ra Chính phủ cũng không bảo lãnh khoản vay và doanh thu đối với dự án. Việc đấu thầu vẫn theo hướng “lời ăn, lỗ chịu”.
Trước đó, Bộ GTVT đã quyết định hủy chào thầu quốc tế tìm nhà đầu tư cho 8 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam, chuyển sang đấu thầu trong nước. Lý do: Sau khi chấm hồ sơ sơ tuyển, dù có tới 60 hồ sơ các nhà đầu tư tham gia 8 đoạn cao tốc, nhưng có tới 4/8 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư, và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
8 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 kêu gọi đầu theo hình thức BOT có số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng.
Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm:
Đoạn Mai Sơn – QL 45 (qua Ninh Bình – Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng.
Đoạn QL 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu (Thanh Hóa – Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.
Đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt (Nghệ An – Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.
Đoạn Nha Trang – Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đố vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng.
Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng.
Đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận), dài 101 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng.
Đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ tợ hơn 2.480 tỷ đồng.
(Theo Infonet)