+
Aa
-
like
comment

Bộ GTVT tiết lộ nguyên nhân đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm khai thác

Tùng Lâm - 27/09/2019 19:36

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nguyên nhân khiến việc thi công đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm trễ chủ yếu là do tổng thầu.

Keyword đầu tiên có dấu
Việc chậm trễ trong công tác tập hợp hồ sơ liên quan đến linh kiện là nguyên nhân khiến 1% khối lượng thi công đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể hoàn thành. 

Nguyên nhân chậm phần lớn do việc chậm trễ của tổng thầu

Liên quan đến tiến độ dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, tại buổi họp báo Quý III năm 2019 của Bộ GTVT chiều nay (27/9), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án từ lâu đã nói khối lượng tồn tại còn lại chỉ khoảng 1%. Tỷ lệ này liên quan đến việc hoàn chỉnh lại hệ thống, khắc phục khiếm khuyết, yêu cầu đúng với thiết kế, một số vấn đề liên quan đến hoàn thiện chỉnh trang depot…

“Tuy vậy, nguyên nhân chậm phần lớn do việc chậm trễ của tổng thầu trong việc tập hợp hồ sơ liên quan đến linh kiện lắp đặt để đánh giá mức độ an toàn. Nếu làm đến đâu tập hợp hồ sơ đến đó sẽ rút ngắn được thời gian. Tuy nhiên, tổng thầu lại làm hiện trường nhiều hơn, sau đó mới tập hợp nên rất mất thời gian”, Thứ trưởng nói.

“Đối với dự án này, Thủ tướng chỉ đạo phải đưa vào khai thác với điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vì vậy, phần kiểm chứng điều kiện, hồ sơ thiết bị là điều kiện vô cùng quan trọng, cơ quan chức năng phải xem xét chứng chỉ, hồ sơ linh kiện đánh giá có đảm bảo không? Để làm được điều này, một đơn vị tư vấn độc lập của Pháp chuyên về đánh giá an toàn của hệ thống đường sắt trên thế giới đã được thuê để thực hiện. Thời gian qua, đánh giá của họ đã ra được 6/14 báo cáo. Hiện họ vẫn đang tiếp tục yêu cầu tổng thầu cung cấp tiếp hồ sơ để hoàn tất việc đánh giá”, Thứ trưởng Đông nói và khẳng định, đây là đơn vị đánh giá độc lập nên việc thẩm định sẽ khách quan, không nghiêng về bên nào.

Quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, khi tất cả các thủ tục, hồ sơ liên quan đến thiết bị, linh kiện lắp đặt hoàn thiện, việc vận hành sẽ không phải là thực hiện chạy đơn chiếc từng đoàn tàu như thời gian qua, mà Bộ GTVT sẽ yêu cầu tổng thầu cho chạy tích hợp, chạy toàn bộ hệ thống, từ quá trình mua vé, tần suất chuyến, thời gian dừng tại ga theo đúng thiết kế liên tục theo thời gian quy định (khoảng 20 ngày).

Liên quan đến việc “chốt” thời gian vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông, theo Thứ trưởng Đông, Bộ GTVT đã đặt mốc chi tiết để tổng thầu hoàn thiện 1% còn lại. Bộ GTVT cũng đang quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá, những phần không thấy khả thi, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo đơn vị liên quan không tiếp nhận. Quá trình xây dựng có bao nhiêu hành động, Bộ GTVT sẽ buộc tổng thầu phải thực hiện đầy đủ để việc chốt tiến độ, thời gian đưa vào vận hành chính xác nhất.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, do quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức để lập dự toán chưa đầy đủ, văn bản hướng dẫn áp dụng chính sách chậm ban hành, dẫn đến quá trình thực hiện còn sai sót, tồn tại đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Bộ GTVT đã có báo cáo, giải trình với Kiểm toán Nhà nước và sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra, đồng thời sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền.

Tùng Lâm 

Bài mới
Đọc nhiều