‘Bộ GTVT nói gì về đề xuất kéo dài đường sắt Cát Linh – Hà Đông’
Chính phủ phê duyệt quy hoạch kéo dài tuyến đường sắt đô thị 2A Hà Nội (tuyến Cát Linh – Hà Đông) thêm 20 km đến Xuân Mai. Bộ trưởng GTVT nói đây không phải đề xuất của Bộ.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.
Theo đó, Bộ Giao thông đã cập nhật, báo cáo Quốc hội về các dự án đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM.
Kéo dài đường sắt Cát Linh – Hà Đông không phải đề xuất của Bộ GTVT
Tại Hà Nội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đầu tư tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông). Chính phủ cũng chỉ đạo UBND Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo).
Bộ trưởng Thể nêu rõ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay dự án chưa được đưa vào khai thác.
Về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt, tư lệnh ngành giao thông cho biết tại quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội và TP.HCM, dự kiến tại Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km được xây dựng.
Quy hoạch cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng kéo dài các tuyến để kết nối với các đô thị vệ tinh đồng thời quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ và khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.
Theo quy hoạch này, tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh – Hà Nông) sẽ được kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai với chiều dài khoảng 20 km, theo hướng quốc lộ 6, bố trí depot tại Xuân Mai.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh “Bộ GTVT không đề xuất làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài tới Xuân Mai. Bộ cũng không họp bàn gì về dự án này mà chỉ làm đường sắt quốc gia”.
Theo lời ông Thể, mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến là quy hoạch của Hà Nội, hiện tại chưa có chủ trương về dự án. Còn Chính phủ muốn Bộ GTVT là đầu mối để tổng hợp về quy hoạch phát triển GTVT của các địa phương, báo cáo lên Quốc hội.
“Mới đây là báo cáo tổng hợp quy hoạch 10 năm của Hà Nội, không phải là quy hoạch hay đề xuất của Bộ GTVT”, ông Thể nhấn mạnh.
Chính phủ tập trung nguồn lực làm đường sắt đô thị
Tại TP.HCM, Chính phủ đang chỉ đạo UBND thành phố thực hiện đầu tư 2 tuyến (tuyến số 1, Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2, Bến Thành – Tham Lương). Hai dự án đang thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị.
TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với chiều dài khoảng 57 km.
Các dự án này sẽ đáp ứng khoảng 15-20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Về nguồn lực thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, báo cáo nêu rõ chi phí gần 30.000 tỷ đồng.
Trong đó, Hà Nội đã thu xếp 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 2 và tuyến số 3). TP.HCM rót 17.200 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 1, tuyến số 2).
Thừa nhận hầu hết dự án đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, Chính phủ khẳng định sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án đang triển khai trên địa bàn hai thành phố lớn.
Hoài Vũ