Bộ GTVT kiến nghị xây cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu bằng vốn Nhà nước gần 18.000 tỷ
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53 km với quy mô 4-6 làn xe, được Bộ GTVT kiến nghị đầu tư với tổng vốn dự kiến 17.837 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Đây là một trong số 3 dự án đường cao tốc do Bộ GTVT chuẩn bị đầu tư đã được Chính phủ đưa vào danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để sớm hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đáp ứng nhu cầu vận tải cấp bách của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Biên Hòa, Đồng Nai; điểm cuối tại Km53+700 giao với QL 56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phạm vi đầu tư cơ bản không thay đổi so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1602 ngày 23/9/2021.
Tổng chiều dài dự án là hơn 53 km. Trong đó đoạn qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km); Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (19,5 km).
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 – 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án (giai đoạn 1) khoảng 17.837 tỷ đồng, giảm khoảng 150 tỷ đồng so với Quyết định số 1602 do cắt giảm chi phí lãi vay (khi chuyển sang đầu tư công), cập nhật đơn giá và tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là hơn 8.300 tỷ đồng.
Bộ GTVT kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025 với nhu cầu sử dụng vốn ước tính khoảng 14.270 tỷ đồng (khoảng 80% tổng mức đầu tư).
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1602 theo phương thức PPP. Trong đó, mức vốn của Nhà nước cần tham gia hỗ trợ dự án khoảng 6.629 tỷ đồng (chiếm khoảng 33,7% tổng mức đầu tư).
Theo Bộ GTVT, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm. Thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 – 3 năm. Chính vì vậy, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.
Để đảm bảo tiến độ triển khai công trình Bộ GTVT dự kiến chia dự án thành 3 dự án thành phần. “Ba dự án thành phần được chuẩn bị và triển khai đầu tư cùng thời điểm, cùng được bố trí vốn để triển khai theo kế hoạch nên sẽ hoàn thành và khai thác đồng bộ toàn tuyến”, Bộ GTVT cho hay.
Hồng Anh